Triển vọng xuất khẩu Qúy 4/2018

Một số nhận định thị trường lúa gạo Quý 4/2018

 

Thị trường lúa gạo các tháng cuối năm Quý 4/2018 cho thấy tiếp tục có những diễn biến khó lường sau khi giá gạo chững lại trong Quý 3. Diễn biến thời tiết phức tạp tại các nước nhập khẩu như Philippines, động đất – sóng thần tại Indonesia, lũ lụt tại các nước xuất khẩu như Việt Nam, Myanmar, Campuchia và sự việc vỡ đập thủy điện Xepian Xe Nam Noy trên sông Xe Pian tại Lào. Năng suất thấp vụ 2 tại một số địa phương thu hoạch sớm tại Miền Bắc và Miền Trung. Thêm vào đó, kênh xuất khẩu tiểu ngạch tại Cao Bằng với lượng khá, chủ yếu là gạo OM 5451 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường trong các tháng cuối năm 2018.

 

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thị trường các tháng cuối năm:

Kênh gạo trắng

Gạo IR 504

Nhu cầu nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á

  • Thị trường liên tục đón nhận các thông tin về nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á và các tin đồn này xuất hiện tại thị trường từ trước (Philippines có thể sẽ nhập khẩu thêm 750 ngàn tấn để bổ sung tồn kho, Philipines nhập khẩu 133 ngàn tấn theo MAV cho các tỉnh phía Nam do giá gạo tăng cao).
  • Nguồn cung trong nước khan hiếm do ĐBSCL bị lũ lụt nghiêm trọng do mưa nhiều và ảnh hưởng từ vụ vỡ đập thủy điện tại Lào. Nguồn cung bổ sung quan trọng từ Campuchia về giảm lại khi nước này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt, đặc biệt là các tỉnh phía Nam nước này.
  • Các doanh nghiệp tiếp tục giao hàng đi các thị trường tập trung như Cuba, Iraq, áp lực giao hàng trong thời điểm nguồn cung khan hiếm sẽ khiến thị trường nóng trở lại.
  • Vụ Đông Xuân 2018-2019 nhiều khả năng sẽ trễ hơn so với dự kiến do lũ rút chậm do lũ lụt tại Campuchia. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019 và ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp.

Xuất khẩu trắng đi các thị trường 8 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017 (ngàn tấn)

(Nguồn: Thống kê Hải quan)

 

Gạo OM 5451

Diễn biến giá gạo NL IR 504 và OM 5451, từ 2017-2018 (ngàn đồng/kg)

Gạo OM 5451 tương đương so với IR 504 do nguồn cung nhiều vụ Hè Thu

(Nguồn: luagaoviet.com)

 

  • Các thống kê trước đó trong vụ Hè Thu 2018 của luagaoviet.com (ước tính cơ cấu giống vụ Hè Thu) cho thấy lượng gạo OM 5451 tương đối lớn khoảng 3,8 triệu tấn lúa (1,9 triệu tấn gạo). Điều này đã phản ánh giá gạo OM 5451 duy trì ở mức giá tương đối thấp so với IR 504 (giá gạo OM 5451 duy trì ở mức tương đương hoặc cao hơn 100-200 đồng/kg so với gạo IR 504 trong thời gian dài). Giá gạo OM 5451 thấp khiến một lượng lớn gạo OM 5451 ra Bắc và kênh tiểu ngạch sôi động trở lại một phần do giá gạo OM 5451 duy trì ở mức thấp.
  • Nguồn cung gạo OM 5451 tại Miền Nam vụ 3 được dự báo thấp do lũ lụt, vỡ đê bao tại nhiều địa bàn, năng suất thấp, thu hoạch lúa non sẽ khiến thu hồi gạo thành phẩm giảm. Một số thương nhân ước tính, sản lượng gạo vụ 3 tại ĐBSCL có thể giảm tới 30-40%. Chúng tôi cho rằng thời điểm hiện tại rất khó thống kê chính xác khi một số địa phương chưa xuống giống xong TUY NHIÊN, điều dễ nhận thấy là năng suất, sản lượng đều giảm và thất thoát sau thu hoạch nhiều.
  • Giá gạo OM 5451 duy trì ở mức thấp, khoảng cách giá gạo OM 5451 chênh lệch với IR 504 thấp trong khi với các loại gạo thơm khác cao như Jasmine, OM 4900, Đài Thơm 8 (giá gạo thành phẩm thời điểm ngày 22/9: OM 5451: 9050 đồng/kg, IR 504: 8800 (-200), Đài Thơm 8: 10100 (+1050), Jasmine: 11000 (+1950). Chênh lệch giá gạo OM 5451 với các chủng loại khác BẤT THƯỜNG so với hàng năm. Do đó, một số doanh nghiệp trước đó đã dựa lại gạo TP OM 5451 từ thời điểm giá gạo OM 5451 ở mức 8500-8600 đồng/kg, tại kho. (Một số nhà kho cho biết sẽ chỉ ra hàng ở mức giá 9500-9600 đồng/kg, tại kho).
  • Các thông tin ban đầu của chúng tôi cho biết, hiện đang thu hoạch tại Miền Trung và Miền Bắc và năng suất hiện đang RẤT THẤP. Thương nhân cho biết, năng suất các giống lúa Bắc Hương, Thiên Ưu chỉ khoảng 50-70 kg/sào (khoảng 1,4-2 tấn/ha). Các giống làm hàng như Q, Khang Dân năng suất chỉ khoảng 100-120 kg/sào (2,7-3 tấn/ha). Tại Hà Tĩnh, vùng trong đê bao đang thu hoạch, năng suất đạt 2,5-3 tấn/ha. Tuy chưa có thể khẳng định toàn vụ mùa Hè Thu NHƯNG chúng tôi cho rằng năng suất lúa tại Miền Bắc và Miền Trung sẽ thấp hơn nhiều so với vụ Đông Xuân 2018 và vụ Hè Thu năm trước. Nhu cầu gạo nội địa tại Miền Bắc và Miền Trung được dự báo sẽ tiếp tục cao vào các tháng cuối năm 2018, đặc biệt là nhu cầu đóng gạo lức OM 5451. Tình trạng hút hàng gạo NL OM 5451 có thể xảy ra tương tự như các tháng cuối năm 2017.

Top thị trường nhập khẩu gạo OM 5451 trong 8 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017

(Nguồn: Thống kê Hải quan)

Gạo thơm

  • Nguồn cung gạo Jasmine vụ Đông Xuân 2018 giảm so với năm trước. TUY NHIÊN, nguồn gạo Đài Thơm 8 nhiều trong năm nay khiến giá gạo Jasmine ít biến động. Thương nhân cho biết, nhu cầu gạo thơm từ các thị trường Châu Phi được dự báo sẽ tăng trong các tháng 10 và 11 do thương nhân quốc tế chuẩn bị chân hàng cho Noel và năm mới. Nếu các doanh nghiệp Việt và thương nhân yêu cầu chất lượng, độ thuần cao (85-90%) thì nhiều khả năng giá gạo Jasmine tăng trở lại. Khi đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải cần một lượng lớn gạo Jasmine (độ thuần 85-90%), gạo Đài Thơm 8 khó có thể đáp ứng đi các hợp đồng này khi độ thuần chỉ đạt (70-80%).
  • Các thông tin gần đây cho biết, một số thị trường tập trung đang giao gạo thơm hiện cũng đang yêu cầu giao hàng gạo tăng cường gạo Jasmine thay vì Đài Thơm 8 để nâng cao chất lượng. CHÚNG TÔI cho rằng, lượng gạo Jasmine đi các thị trường này sẽ không nhiều do mức giá ký không cao trong khi chênh lệch gạo Jasmine và Đài Thơm hiện nay tương đối lớn.

Top 10 thị trường nhập khẩu gạo thơm trong 8 tháng 2018 so với cùng kỳ 2017

(Nguồn: Thống kê Hải quan)

 

Diễn biến giá gạo Đài Thơm 8 và Jasmine, 2017-2018 (đồng/kg)

(Nguồn: luagaoviet.com)

 

Gạo Nếp

  • Nguồn cung gạo Nếp vụ Thu Đông giảm mạnh do khi giá lúa Nếp Hè Thu ở mức thấp (nông dân trồng Nếp thua lỗ nên vụ 3 chuyển sang trồng giống khác) sau khi Trung Quốc áp quota hạt dài cho Nếp nhập khẩu. Nhà kho nhận định nguồn cung nếp ít trong vụ 3, xuống giống trễ do lũ lụt nên nguồn Nếp chỉ được cải thiện khi thu hoạch Đông Xuân.
  • Nguồn cung nếp cho nhu cầu sắp tới phần lớn tại các nhà kho, nhà máy đang trữ lại, chưa giao dịch do giá thấp.
  • Các nguồn tin từ thương nhân cho biết, nhu cầu Nếp từ thương nhân Trung Quốc nhiều TUY NHIÊN với việc áp quota hạt dài nên việc mua quota Nếp khó khăn. Một số thương nhân cho biết, giá quota nhập khẩu Nếp đã tăng từ 110-120 USD/tấn lên mức 150-160 USD/tấn. Do đó, thương nhân Trung Quốc để dành quota nhập khẩu các tháng cuối năm cho nhu cầu tết âm lịch. Từ đầu quý 4, có thông tin thương nhân Trung Quốc đang thăm dò thị trường để nhập khẩu vì quota được cấp sắp hết hạn.
  • Nhu cầu nội địa Nếp Long An từ Miền Bắc được dự báo sẽ tăng cao vào cuối năm khi các địa phương tại Miền Bắc vào mùa Đông lạnh (nhu cầu tiêu dùng gạo Nếp tăng). Nguồn cung Nếp tại Miền Nam khan hiếm do lũ lụt có thể sẽ đẩy giá gạo Nếp tăng vào các tháng cuối năm khi gạo chợ rút hàng.
  • Thị trường có thể có một số ít nhu cầu từ thương nhân Philippines, Malaysia. Nhu cầu đi nội địa sang Lào.
  • Thị trường xuất khẩu Nếp của Việt Nam diễn biễn nhanh và phức tạp, biến động giá mạnh do phần lớn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó, thị trường gạo Nếp có thể sẽ có những diễn biến bất ngờ, nhiều rủi ro trong các tháng cuối năm.

Top thị trường nhập khẩu nếp trong 8 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017 (ngàn tấn)

- Xuất khẩu Nếp giảm do Trung Quốc áp quota hạt dài cho nhập khẩu Nếp

Diễn biến giá gạo Nếp Long An và An Giang, 2017-2018 (đồng/kg)

- Nguồn Nếp Phú Tân khan hiếm dần nên giá Nếp Phú Tân tương đương với Long An

(Nguồn: luagaoviet.com)

Trò chuyện với chúng tôi