Triển vọng xuất khẩu gạo Quý 2/2018
(luagaoviet.com) - Thị trường lúa gạo Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu sôi động khi đồng loạt các thị trường truyền thống trở lại từ phân khúc gạo thơm, gạo chất lượng cao, gạo trắng. Từ thời điểm cuối tháng Qúy 1/2018, thị trường đã liên tục xuất hiện những tín hiệu tích cực từ các thị trường Indonesia, Malay, Philippines và Bangladesh. Một số yếu tố đang định hình và ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý 2/2018 và cả năm 2018 như:
- Gạo trắng: Cơ cấu giống gạo IR 504 giảm mạnh trong năm 2018. Rất khó xác định chính xác cơ cấu từng chủng loại giống. Tuy nhiên, qua trao đổi với thương nhân nhiều kinh nghiệm, thương lái và nhà kho, chúng tôi thấy rằng cơ cấu giống IR 504 giảm từ 10-15% so với vụ Đông Xuân 2016-17. Vùng trồng lúa IR 504 giảm mạnh tại Đồng Tháp (Hồng Ngự, Châu Thành chuyển sang trồng lúa Đài Thơm 8 nhiều). Tại An Giang, một số đồng cũng chuyển sang xuống giống OM 5451, Nhật, Đài Thơm 8. Nhu cầu thu mua gạo trắng nhiều; nhu cầu mua gạo 15% tấm cho Cục Dự trữ Quốc gia (mở thầu lại vào đầu tháng 4); từ các thị trường tập trung như Indonesia (đã ký mua 300 ngàn tấn vào 28/3); triển vọng từ thị trường Philippines khi nước này thông báo NFA sẽ nhập khẩu vào tháng 4 và tháng 5; tư nhân Philippines sẽ được nhập khẩu trở lại vào tháng 6; hàng thương mại đi Malaysia, Cuba..và tin đồn nhập khẩu từ Bangladesh cũng sẽ khiến thị trường các nước xuất khẩu tại Châu Á nóng lên.
- Gạo thơm: Gạo thơm duy trì mặt bằng giá khá cao so với mọi năm khi thu hoạch Đông Xuân mà giá KHÔNG GIẢM. Các doanh nghiệp hiện đang trông chờ từ hợp đồng Iraq với khối lượng khá lớn, trên 300 ngàn tấn nên giá gạo Jasmine, Đài Thơm 8 khá ổn định mặc dù thu hoạch rộ. Mặt bằng giá gạo thơm khá cao so với mọi năm (thường dưới 10.000 đồng/kg khi thu hoạch rộ) nên hầu hết các nhà máy đều ra hàng, ít trữ lại. Thêm vào đó, với mức giá gạo Đài Thơm 8 duy trì ở mức cao từ vụ Thu Đông 2017 đến vụ Đông Xuân 2017-18 nên vụ Hè Thu diện tích xuống giống lúa Đài Thơm 8 CÓ THỂ sẽ tăng mạnh KHIẾN RỦI RO trữ lại gạo Jasmine là khá lớn (Đài Thơm 8 có thể thay thế được gạo Jasmine đi các hợp đồng với giá thấp, không yêu cầu độ thuần cao).
- Gạo Nếp: Thương nhân Trung Quốc tiếp tục đứng ngoài, giao dịch chậm gạo Nếp nên thị trường khá trầm lắng. Trong tháng 3/2018, giá Nếp liên tục giảm mạnh khi thị trường thiếu đầu ra TRONG KHI một số doanh nghiệp xuất khẩu Nếp mạnh đang bị tạm ngưng xuất khẩu đi Trung Quốc.
- Gạo Nhật: Giá gạo Nhật duy trì ở mức cao và tăng mạnh trong năm 2017 nên diện tích xuống giống là khá lớn (lúa DS1 có thời điểm lên tới 10.000 đồng/kg, lúa khô). Với việc thị trường gạo Nhật phụ thuộc nhiều vào một số doanh nghiệp nhập khẩu lớn nên giao dịch hiện khá ít. Doanh nghiệp nhập khẩu đè giá khi các doanh nghiệp bao tiêu lấy lúa về kho. Thị trường gạo Nhật khó đoán định và thiếu vắng các phiên thầu từ phía Hàn Quốc nên giao dịch chậm.
- Tấm: Trung Quốc siết chặt nhập khẩu và bông cỏ lẫn trong gạo tấm (cả tấm nếp) nên giao dịch khá chậm. Nguồn cung tấm nhiều trong khi đầu ra khó khăn nên các doanh nghiệp chào bán nhiều. Xuất khẩu tấm có thể sẽ trở lại khi phía Trung Quốc giảm siết chất lượng tấm và thông báo thầu từ phía NFA (thường là gạo 25% tấm). Có một số thông tin cho biết, có thể phía Việt Nam sẽ yêu cầu tăng tỷ lệ bông cỏ trong tấm khi các doanh nghiệp cho biết RẤT KHÓ để tách hết được bông cỏ trong tấm.
- Kênh tiểu ngạch: Xuất khẩu tiểu ngạch tiếp tục khó khăn trong các tháng đầu năm 2018, giao dịch chậm tại hầu hết các điểm tiểu ngạch như Lạng Sơn, Cao Bằng. Tại Cao Bằng, ước tính giao hàng được khoảng 2000-3000 tấn/ngày đêm (bằng 10% so với lúc cao điểm). TUY NHIÊN, kênh kiểu ngạch là nhân tố khó lường, biến động RẤT NHANH nên cần theo dõi liên tục.
- Kênh gạo nội địa: Nhu cầu gạo nội địa ra Bắc được dự báo tiếp tục nhiều trong vòng 2 tháng tới khi miền Bắc thu hoạch vụ Đông Xuân 2018 (miền Bắc mới xuống giống được 30 ngày). Các chủng loại gạo chính ra Bắc như OM 5451, ST 21, Đài Loan và IR 504.
- Thị trường gạo trắng được cho rằng sẽ sôi động trong thời điểm Qúy 2/2018 khi hàng loạt nhu cầu từ các thị trường tập trung và thị trường nội địa nên nhiều thương nhân dự đoán rằng giá gạo IR 504 khó có thể giảm được. Đầu ra kênh xuất khẩu gạo thơm cũng ổn định khi gạo thơm Việt Nam cạnh tranh khá tốt tại thị trường Châu Phi và Iraq với mức giá tốt nên khó có thể giảm sâu như mọi năm. Xuất khẩu gạo Nếp và gạo Nhật có thể gặp nhiều khó khăn khi thị trường phụ thuộc nhiều vào các đối tác nhập khẩu từ Trung Quốc và Sunrice.
Luagaoviet.com – Nguyen Hoang Hai