Xuất khẩu gạo: Thay đổi cách làm để vượt qua “sóng cả”

(BKTO) - Sau thời gian dài tăng mạnh, thiết lập những kỷ lục ấn tượng, bước sang năm 2025, giá gạo Việt có xu hướng giảm, ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu, cũng như gây lo lắng cho người dân, doanh nghiệp. Vấn đề này đặt ra cho ngành nông nghiệp những yêu cầu về cách làm mới để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững hơn.

Xuất khẩu gạo cần thay đổi cách làm để vượt qua “sóng cả”. Ảnh ST

Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh

Năm 2024, xuất khẩu gạo bùng nổ với 9 triệu tấn, thu về 5,67 tỷ USD - mức kỷ lục cho đến nay. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 đã quay đầu giảm mạnh.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ngày 14/02, giá gạo Việt tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu giảm còn 397 USD/tấn. Gạo tiêu chuẩn 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm về mức 372 USD/tấn, thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu… 

Một số thị trường cạnh tranh với mặt hàng gạo của Việt Nam là Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan cũng chung cảnh giảm giá, song vẫn có giá cao hơn so với gạo Việt Nam.

Cụ thể, với gạo 5%, giá gạo của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan có giá cao hơn lần lượt 23 USD/tấn, 18 USD/tấn và 7 USD/tấn. Trong khi gạo 25% tấm xuất khẩu thấp hơn hàng Thái Lan và Ấn Độ lần lượt 25 USD/tấn và 22 USD/tấn.

Lý giải nguyên nhân khiến giá gạo được bán ở mức thấp hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do Ấn Độ - một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, sau một thời thực thi chính sách này để bình ổn thị trường trong nước.

Nguyên nhân thứ hai là do hàng loạt thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam chững lại đà mua (năm 2024, Philippines tiêu thụ đến 46,1% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, đứng thứ 2 là Indonesia với 13,2% và Malaysia xếp thứ 3 với 7,5%) vào đầu năm nay. Là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới và là thị trường chủ lực của Việt Nam, Philippines đang đẩy mạnh một loạt chính sách nhằm hạ giá gạo trong nước. 

Trong khi Indonesia cũng nỗ lực thực hiện tự chủ lương thực và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung, điều này tác động đến lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong năm 2025.

“Tất cả những thay đổi từ các thị trường trọng điểm đã gây bất lợi cho gạo Việt, hệ quả là giá gạo giảm mạnh trong vào đầu năm nay” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Trung Kiên cho biết. 

Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, nhiều hộ dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải mang bán lẻ vì sợ lỗ thêm. Ảnh ST

Một lo ngại khác là việc giảm giá gạo còn kéo theo nhiều tác động đến các thị trường tiêu thụ gạo Việt khác, khi các thương nhân các nước khác thấy giá gạo liên tục giảm cũng tiếp tục chờ khiến cho tình trạng càng thêm xấu.

Thêm vào đó, thông tin nguồn cung gạo Việt khá dồi dào, trong bối cảnh vụ lúa đông xuân chuẩn bị thu hoạch càng gây sức ép cho hoạt động xuất khẩu gạo. 

Do đó, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu mặt hàng gạo năm nay dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi các ngành chức năng cần sớm có các giải pháp ứng phó phù hợp, từ đó đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, cũng như tránh làm xáo trộn kế hoạch sản xuất theo mùa vụ của người dân.

Đa dạng hóa thị trường, chú trọng vào chất lượng gạo

Trong bối cảnh xuất khẩo gạo đang đối diện với nhiều thách thức, những giải pháp hiện đang được ngành nông nghiệp tính đến nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường và để ngành lúa gạo vững vàng trước những "cơn sóng cả". 

Cụ thể,  Bộ NNPTNT có định hướng điều tiết lại nguồn tiêu thụ sản phẩm cân đối hơn giữa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Những vùng khác đa phần để phục vụ cho tiêu thụ nội địa.

Theo dự báo, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 4,5 triệu tấn. Ở giai đoạn này, xuất khẩu gạo có thể đạt đỉnh vào tháng 3-4 với sản lượng khoảng 1-1,13 triệu tấn.

Lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,04 triệu tấn. Sản lượng gạo xuất khẩu đạt đỉnh 900.000 tấn/tháng trong giai đoạn này có thể rơi vào tháng 8 và tháng 9. Tháng 12, xuất khẩu gạo chỉ khoảng 140.000 tấn - mức thấp nhất năm.Ngoài ra, các địa phương cần tập trung sản xuất các loại gạo chất lượng, giá bán cao được thị trường ưa chuộng như gạo thơm, gạo đặc sản…

Hiện, Bộ NNPTNT và các địa phương đang phối hợp triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Đây là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp đầu tiên trên thế giới nên được nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tham gia, đồng hành.

Đề án xác định rõ, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người nông dân đạt trên 40%; lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

“Lợi ích rõ rệt nhất khi tham gia Đề án là “chi phí giảm, lợi nhuận tăng”, nhất là đầu ra ổn định khi người tiêu dùng ưa chuộng các loại gạo chất lượng như ST25” - ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang - đại diện một trong những địa phương tham gia thí điểm triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cho biết.

Chú trọng các loại gạo chất lượng cao, gắn với chuyển đổi cây trồng với diện tích lúa kém hiệu quả là một trong những giải pháp giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm bớt rủi ro. Ảnh: N.Lộc

Cũng theo ông Toàn, năm 2025, tỉnh phấn đấu sản lượng lúa trên 4,7 triệu tấn, với lúa chất lượng cao chiếm 95% diện tích gieo trồng; đồng thời đa dạng hóa vùng trồng theo hướng chuyên canh, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp…

Với những nỗ lực này, gạo Việt sẽ sớm khẳng định được ưu thế, khi là một trong những quốc gia tiên phong sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, phù hợp xu thế tiêu dùng thế giới, tạo giá trị gia tăng lớn hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam.

Đồng thời, ngành nông nghiệp cần tập trung chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.

Về thị trường, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực châu Phi... và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường FTA; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu; kịp thời cập nhật thông tin cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo để phục vụ cho định hướng kinh doanh, xuất khẩu.

Đồng thời, ngành Công thương cần tiếp tục nghiên cứu việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số thị trường xuất khẩu tiềm năng; tận dụng tiến trình rà soát các Hiệp định đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch cho Việt Nam../.

http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-gao-thay-doi-cach-lam-de-vuot-qua-song-ca-38232.html

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi