(KGO) - Dù trúng mùa vụ, nhưng nông dân Kiên Giang đang phải đối mặt với tình trạng giá lúa giảm mạnh trong vụ đông xuân 2024-2025. Thị trường gạo xuất khẩu giảm là nguyên nhân khiến giá thu mua lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Kiên Giang giảm từ 1.500-2.000 đồng/kg so với vụ trước.
GIÁ LÚA GIẢM
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm mạnh. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 397 USD/ tấn, gạo 25% tấm đang chào bán với giá 372 USD/ tấn, gạo 100% tấm giá 310 USD/tấn.
Nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu giảm mạnh như hiện nay do Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, trong khi đó nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines là những thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam đã tự chủ lương thực, nhu cầu nhập khẩu gạo giảm.
Nguồn cung gạo trong nước rất dồi dào, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân 2024-2025 khiến giá thu mua lúa tại các tỉnh, trong đó có Kiên Giang sụt giảm mạnh từ đầu vụ đến nay.
Nhiều giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, Đài Thơm 8 giảm 1.500-2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm 2024. Cụ thể, giá lúa Đài Thơm 8 thương lái mua với giá 6.200 đồng/kg, lúa Nhật ĐS 1 dao động từ 7.600-7.800 đồng/kg. Hoạt động mua bán lúa diễn ra khá trầm lắng, không sôi nổi như vụ đông xuân trước. Cả thương lái và nông dân đều khá thận trọng việc chốt hợp đồng mua bán.
Nông dân xã Sơn Kiên (Hòn Đất) thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh trong vụ lúa đông xuân 2024-2025.
Theo anh Lê Văn Nam, ngụ ấp Kiên Bình, xã Sơn Kiên (Hòn Đất), vụ lúa đông xuân 2024-2025 anh gieo sạ 10ha lúa Nhật ĐS 1, hiện lúa được hơn 80 ngày. Tuy nhiên, khác với năm ngoái vào thời điểm này đã có nhiều thương lái đến xem lúa và bỏ cọc, nhưng hiện lúa gần trổ chín mà vẫn chưa có thương lái đến xem. “Trước tình hình giá lúa giảm như vậy tôi cũng chưa dám nhận cọc, còn chờ đến thời điểm lúa thu hoạch xem giá có tăng thêm hay không”, anh Nam nói.
Ông Nguyễn Văn Tiền - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, thị trấn Thứ Ba (An Biên) cho biết: “Mùng 4 Tết Nguyên đán Ất Tỵ hợp tác xã vừa thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa đông xuân 2024-2025. Nhìn chung vụ đông xuân năm nay thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Lúa trùng mùa, nhưng lại không được giá, lúa Đài Thơm 8 thương lái mua chỉ 6.300 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, phần lớn nông dân trong hợp tác xã vẫn lãi khoảng 3 triệu đồng/công, nhưng so với năm trước nông dân kém vui vì lợi nhuận giảm nhiều do giá lúa giảm”.
ĐỂ ĐẢM BẢO NĂNG SUẤT, LỢI NHUẬN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, vụ lúa đông xuân 2024-2025 toàn tỉnh gieo sạ 280.747ha, đạt 100,08% kế hoạch. Tính đến ngày 11-2, các địa phương đã thu hoạch được 21.112ha. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 3 Kiên Giang bước vào cao điểm thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2024-2025, đồng thời, cũng là cao điểm mùa khô 2024-2025, nguy cơ mặn xâm nhập tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất lúa của người dân.
Cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật xã Sơn Kiên (bên trái) cùng nông dân thăm đồng kiểm tra sâu bệnh trên lúa đông xuân 2024-2025.
Để bảo vệ diện tích lúa đông xuân 2024-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn như vận hành các công trình cống để kiểm soát mặn, trữ ngọt, tránh mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch. Đồng thời, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát địa bàn, kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong việc phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây lúa.
Anh Phạm Xuân Lương, ngụ ấp Kiên Bình cho biết, mặc dù giá lúa giảm nhưng vụ đông xuân năm nay nông dân sản xuất khá thuận lợi. Nước lũ đổ về nhiều mang theo phù sa giúp đất đai màu mỡ, nông dân giảm được một phần chi phí phân bón. Từ đầu vụ đến nay, tình hình sâu hại và dịch bệnh ít, thời tiết thuận lợi, lúa phát triển đều.
"Chỉ còn hơn 1 tháng nữa lúa sẽ thu hoạch, trong bối cảnh giá lúa bấp bênh, ngoài việc hy vọng thị trường lúa gạo khởi sắc trở lại, tôi cũng chủ động thực hiện các biện pháp canh tác tiết kiệm chi phí như giảm lượng giống gieo sạ, gieo sạ theo quy trình “1 phải, 5 giảm”. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên thăm đồng, theo dõi diễn biến sâu rầy, dịch bệnh, phòng trừ dịch hại kịp thời nhằm đảm bảo lúa không bị giảm năng suất”, anh Lương nói.