Lấy lại vị thế cho giá gạo xuất khẩu

(thoibaonganhang.vn) - Tình trạng giá gạo xuất khẩu "chạm đáy" ngay những ngày đầu năm đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo. Nếu không có giải pháp kịp thời, thị trường trong nước cũng sẽ chịu nhiều tác động.
Đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu xuất kho bán lẻ để cắt lỗ

Giá liên tục giảm sâu

Từ cuối năm 2024 đến giữa tháng 2/2025, giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu liên tục giảm sâu. Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 18/2, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 395 USD/tấn; gạo 25% tấm đang chào bán với giá 372 USD/tấn; gạo 100% tấm đang được chào bán với giá 310 USD/tấn. Với mức giá hiện tại, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Giá gạo xuất khẩu gạo khiến doanh nghiệp và thương lái phải xuất kho bán lẻ, nhiều trường hợp chấp nhận bán tháo với giá rẻ nhằm… cắt lỗ. Chị Nguyễn Thị Lan, một thương lái cho biết, gần một tháng nay, xe gạo của chị đã bán hơn 400 tấn. Số gạo này được chị mua lúa của nông dân và xay xát trước tết với kế hoạch ban đầu là bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, từ sau tết, giá gạo giảm mạnh, thương lái thu mua nhỏ giọt, nhiều trường hợp “bỏ cọc”, do đó chị phải bán tháo với giá thấp để giảm thiệt hại. Giá mỗi ký gạo bán ra khoảng 12.000-15.000 đồng (tùy loại), thấp hơn 4.000-8.000 đồng/kg so với giá tại các chợ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, giá gạo xuất khẩu giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh Ấn Độ đang "xả hàng" sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng như bỏ thuế xuất khẩu. Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan chứ không riêng Việt Nam. Bên cạnh đó, giá gạo cũng không thể tăng mãi, khi đã lên đến đỉnh thì sẽ phải giảm. Giá gạo xuất khẩu cũng như chứng khoán, có lúc lên, lúc xuống, lúc tăng, lúc giảm. Đây là điều hết sức bình thường.

Trong khi đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, thị trường gạo thế giới vừa đi qua giai đoạn giao dịch chậm so với chu kỳ hàng năm. Sự đảo chiều của giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu từ cuối năm 2024 được nhận định là do dư cung trên thị trường. Trong khi các nước nhập khẩu lớn như Indonesia, Philippines đang tạm ngưng, giảm bớt, hoặc trì hoãn mua hàng để theo dõi diễn biến giá thì sản lượng gạo từ các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, đặc biệt là Ấn Độ lại tăng mạnh. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV, áp lực nguồn cung tiếp tục đè nặng lên thị trường gạo toàn cầu, trong khi nhu cầu chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Với tình hình này, giá gạo thế giới vẫn sẽ còn chịu sức ép trong thời gian tới, ít nhất cho đến khi các nước nhập khẩu quay trở lại với nhu cầu mua hàng lớn hơn.

Nhìn nhận vấn đề ở mặt tích cực hơn, ông Trần Thanh Hải cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và có những bạn hàng nhất định. Mặt khác, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu gạo khá tốt và có những bạn hàng nhất định, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường xuất khẩu gạo mới.

Sớm đa dạng hóa sản phẩm và thị trường

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng nhận định, giải pháp trong dài hạn để thoát khỏi tình trạng giá gạo giảm là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường cho xuất khẩu gạo. Hiện nay, gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Philippines, Indonesia và Trung Quốc, nhưng để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần mở rộng sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông - những thị trường có nhu cầu cao về gạo chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các giống lúa chịu hạn, chịu mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp đảm bảo sản lượng ổn định trong tương lai. Việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường là yếu tố sống còn để phát triển bền vững.

Tuy vậy, ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho rằng, muốn xuất khẩu ổn định, giá lúa trong nước ổn định, bắt buộc những mặt hàng gạo của chúng ta phải có chất lượng ổn định. Đầu tiên phải cải tạo được giống, bộ giống lúa của Việt Nam hiện nay là một bộ giống mà các quốc gia xuất khẩu gạo phải cùng tham khảo với Việt Nam mới có thể cải thiện được. Thứ hai, để duy trì và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trồng lúa thì giá thành sản xuất phải được kéo giảm. Thực tế cũng xảy ra trường hợp nông dân sản xuất thì lỗ nhưng các doanh nghiệp thì lời. Ngược lại, có những lúc doanh nghiệp lỗ nhưng nông dân lại có lãi. Đây là chuỗi liên kết lúa gạo không ổn định.

Để cải thiện chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung quyết liệt thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Mục tiêu là gia tăng lợi nhuận bền vững và chia sẻ rủi ro trong chuỗi sản xuất lúa gạo.

https://thoibaonganhang.vn/lay-lai-vi-the-cho-gia-gao-xuat-khau-160625.html

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi