![]() |
... |
PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường gạo trong nước và thế giới từ quý IV/2024 tới nay?
![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Từ quý IV/2024 đến nay, giá gạo trên thị trường trong nước và thế giới liên tục giảm sâu, đánh dấu sự đảo chiều sau giai đoạn tăng nóng trước đó. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến ngày 10/2/2025, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam chỉ còn 399 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn 2 năm. So với đỉnh 663 USD/tấn hồi cuối tháng 11/2023, giá gạo nước ta đã giảm gần 40%, rơi xuống vị trí thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.
Đà giảm không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn bao trùm thị trường thế giới. Sau khi mở lại kênh xuất khẩu vào quý IV/2024, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện chỉ còn 420 USD/tấn, giảm 70 USD/tấn so với đầu quý và chạm đáy 17 tháng. Tại Thái Lan, giá gạo xuất khẩu cũng không khá hơn, hiện giao dịch quanh mức 430 USD/tấn, giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh cao.
Diễn biến giá gạo có xu hướng ngày càng giảmÔng Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, kể từ cuối năm 2024 cho tới nay, thị trường gạo thế giới và Việt Nam khá là trầm lắng. Trong đó, diễn biến giá có xu hướng ngày càng giảm. |
Thị trường gạo thô giao dịch trên Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CBOT) cũng chứng kiến xu hướng biến động đồng pha theo giá gạo xuất khẩu thế giới. Đáng chú ý, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/2, giá mặt hàng này rơi xuống còn 265,7 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021, và ngay sau đó lại quay đầu phục hồi dần. Kết phiên giao dịch gần nhất 11/2, giá gạo thô tại CBOT rơi xuống 306 USD/tấn, sụt giảm hơn 41% so với mức cao kỷ lục 433,3 USD/tấn vào tháng 6/2023 và giảm gần 40 USD/tấn so với đầu quý IV/2024. Những con số này cho thấy xu hướng giảm đang thống lĩnh thị trường gạo toàn cầu.
Thị trường gạo thế giới vừa đi qua giai đoạn giao dịch chậm so với chu kỳ hàng năm đáng lẽ phải là một giai đoạn sôi động nhất. Giá gạo Việt Nam cũng đã đánh mất vị trí đắt nhất thế giới, hiện đã rời xa mức 400 USD/tấn, tức là giảm hơn cả so với trước thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 7/2023 từ 100 - 150 USD/tấn.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này giảm trong những tháng gần đây?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Sau 3 quý liên tiếp tăng giá mạnh, thị trường gạo thế giới đã đảo chiều kể từ cuối năm 2024. Nguyên nhân chính theo tôi là do dư cung trên thị trường. Trong khi các nước nhập khẩu lớn như Indonesia, Philippines đang tạm ngưng hoặc giảm bớt, trì hoãn mua hàng để theo dõi diễn biến giá thì sản lượng gạo từ các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, đặc biệt là Ấn Độ lại tăng mạnh.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024 - 2025 dự báo đạt mức kỷ lục 532,66 triệu tấn, cao hơn gần 10 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng gạo của 4 quốc gia cung cấp gạo trên thế giới là Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đều tăng so với niên vụ trước. Riêng sản lượng của Ấn Độ đạt 145 triệu tấn, tăng 7,2 triệu tấn so với năm trước, khiến nguồn cung thế giới trở nên dư thừa.
Theo nguồn tin nước ngoài mà tôi mới được biết thì tính tới đầu tháng 1, tồn kho gạo của Ấn Độ còn đạt mức cao kỷ lục 60,9 triệu tấn, gấp 8 lần mục tiêu của chính phủ.
Còn theo thông tin từ Bộ Thương mại Thái Lan, năm 2024, ước tính nước này xuất khẩu hơn 10 triệu tấn gạo - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Thêm vào đó, mới đây, Bangladesh còn đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm để kích thích thương mại. Tất cả những con số này cho thấy, nguồn cung gạo trên thế giới đã dư thừa trong thời gian qua. Điều này khiến cho giá gạo liên tục lao dốc và đánh mất “thời kỳ hoàng kim”.
Không chỉ nguồn cung tăng vọt, nhu cầu nhập khẩu cũng suy yếu rõ rệt. Khi tình trạng khan hiếm gạo do lệnh cấm của Ấn Độ kết thúc, nhiều khách hàng truyền thống của Việt Nam trì hoãn mua hàng do kỳ vọng giá sẽ còn giảm thêm. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2025 chỉ đạt 547,4 nghìn tấn, giảm 6,1% so với tháng trước và giảm đến 10,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho giá gạo nước ta chịu sức ép.
PV: Vậy dự báo giá gạo trong nước và thế giới thời gian tới sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Áp lực nguồn cung tiếp tục đè nặng lên thị trường gạo toàn cầu, trong khi nhu cầu chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Với tình hình này, tôi cho rằng giá gạo thế giới vẫn sẽ còn chịu sức ép trong thời gian tới, ít nhất cho đến khi các nước nhập khẩu quay trở lại với nhu cầu mua hàng lớn hơn.
Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của MXV, đây chỉ là diễn biến mang tính tạm thời. Hạt gạo Việt Nam từ lâu đã giữ vị thế quan trọng trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu, với phân khúc thị trường riêng biệt và nguồn cầu ổn định. Khi các khách hàng lớn quay trở lại, giá gạo nước ta nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Hơn nữa, mới đây, các động thái trả đũa đòn thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ lan rộng toàn cầu và dấy lên lo ngại vấn đề an ninh lương thực. Nếu tình hình căng thẳng địa chính trị không hạ nhiệt, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước gia tăng bằng cách tạo hàng rào thương mại, kỹ thuật thì không loại trừ khả năng giá gạo thế giới sẽ quay đầu lên mức trên 500 USD/tấn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Dự báo năm 2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn gạoHiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa đưa dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 đạt 7,5 triệu tấn. Hiện tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rất lo lắng, vì số đơn hàng giảm rất mạnh, có những doanh nghiệp cho biết không có đơn hàng nào ký kết cho thời gian xuất khẩu trong tháng 2. Theo VFA, Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch đông xuân - vụ có sản lượng lớn nhất năm. Thời tiết thuận lợi nên sản lượng dự báo dồi dào, khiến nhiều nhà nhập khẩu đang tạm dừng mua hàng để chờ mua với giá thấp hơn. Cho rằng giá gạo điều tiết theo cung cầu, nhưng VFA cho hay, gạo thơm và chất lượng cao vẫn có thị trường riêng, nên giá các loại gạo này vẫn không giảm. Nhiều doanh nghiệp vẫn xuất khẩu được gạo thơm, gạo đặc sản với giá 800 - 1.200 USD/tấn. Hiện nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đặc sản ST25 với giá hơn 1.000 USD/tấn. Mặc dù giá gạo tẻ xuất khẩu đã xuống dưới mức 400 USD/tấn trong tháng 1/2025, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân của tháng vẫn trên mốc 600 USD/tấn, là nhờ sức kéo của gạo thơm và gạo đặc sản. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường gạo hiện tại đang gặp khó nhưng chỉ tạm thời và sẽ sớm hồi phục. Giá gạo hiện đang ở mức đáy, nên sắp tới dự kiến các nhà nhập khẩu sẽ đẩy mạnh mua vào và giá sẽ đi lên. Giải pháp để thoát khỏi tình trạng hiện nay là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường cho xuất khẩu gạo. Cùng với thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến thị trường Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp cần tập trung không chỉ vào phân khúc gạo cao cấp, mà còn mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới là khu vực Trung Đông./.
|