(vnbusiness.vn) - Bộ NN-PTNT đề xuất Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn để ứng phó với thị trường. Năm 2025, Việt Nam dự kiến có hơn 7,5 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
Theo báo cáo cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Công Thương, ước sản xuất cả năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 3,778 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,965 triệu tấn.
Trong số trên, tiêu thụ nội địa và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi... với khoảng 8,9 triệu tấn. Lúa hàng hóa ước khoảng 15,085 triệu tấn, tương đương 7,542 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
![]() |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Bộ Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn là tháng 2, 3, 4, 7, 8 và tháng 9 trong năm 2025 để ứng phó với diễn biến thị trường.
Đồng thời, đề xuất Bộ Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo xuất khẩu hết lượng gạo hàng hóa, đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất cơ chế quản lý hệ thống thương lái thu mua lúa theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, thương lái ký hợp đồng với nông dân sản xuất trên cơ sở hợp đồng ký với doanh nghiệp xuất khẩu về chủng loại giống, chất lượng lúa và các thương lái được hưởng các chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích gieo cấy lúa năm 2025 cả nước ước đạt 7 triệu ha, giảm 132.000 ha. Năng suất bình quân ước đạt 61,6 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng ước đạt 43,143 triệu tấn, giảm 323.000 tấn so với cùng kỳ năm 2024.
Theo thống kê, giá gạo xuất khẩu trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 liên tục sụt giảm mạnh. Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, hôm 14/2, giá gạo Việt 5% tấm xuất khẩu giảm còn 395 USD/tấn, trong khi hàng cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan có giá lần lượt 418 USD/tấn, 413 USD/tấn và 402 USD/tấn.
Gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm về mức 370 USD/tấn, thấp hơn hàng Thái Lan và Ấn Độ lần lượt 25 USD/tấn và 22 USD/tấn, nhưng vẫn cao hơn hàng Pakistan 2 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo Việt đã xuyên thủng đáy của năm 2023-2024, về sát đáy của năm 2022.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, trong khi thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam là Indonesia tự chủ lương thực và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung, điều này tác động đến lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong năm 2025.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cũng nhìn nhận, lượng tồn kho ở các quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam tương đối đầy, chưa phải là lúc mua vào. Hơn nữa, thông tin nguồn cung dồi dào lan truyền càng gây sức ép lớn, khiến giá gạo Việt tụt dốc.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1 vừa qua, xuất khẩu gạo sang Indonesia chỉ đạt 651 tấn, giá trị thu về khoảng 0,35 triệu USD, giảm mạnh 98% so với tháng cùng kỳ năm 2024.
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu mặt hàng này dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, cần sớm tính các phương án sản xuất và kinh doanh phù hợp ngay từ đầu năm 2025.