Chuyển biến tích cực từ đề án lúa chất lượng cao

(baohaugiang.com.vn) - Thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (đề án); thời gian qua, ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở và người dân tại Hậu Giang đã, đang triển khai nhiều phần việc quan trọng và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực theo mục tiêu đề án đề ra.

Nông dân tại các vùng lúa chất lượng cao của tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trong canh tác.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực và xuất khẩu gạo trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, gia tăng chi phí sản xuất, trong khi thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giảm phát thải các-bon. Vì vậy, đề án liên quan đến phát triển vùng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL do Chính phủ trực tiếp chỉ đạo được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều đổi thay trong canh tác lúa của người dân, nhất là hướng đến sản xuất giảm phát thải, tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với nhiều tỉnh, thành phố của vùng ĐBSCL, việc canh tác lúa tại Hậu Giang đang có nhiều bước tiến mới khi tỉnh triển khai đề án.

Hiệu quả từ những mô hình điểm

Vào cuối năm 2023, Hậu Giang vinh dự là tỉnh đầu tiên được Bộ NN&PTNT chọn tổ chức lễ phát động thực hiện đề án cho toàn vùng ĐBSCL. Nhằm đạt mục tiêu trọng tâm của đề án đề ra là vừa mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân trồng lúa, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng lúa gạo theo hướng bền vững, hơn một năm qua, ngành chức năng có liên quan từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp cùng hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp triển khai nhiều mô hình cấp tỉnh và huyện về quy trình sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp.

Là một trong 6 HTX được chọn thực hiện mô hình điểm cấp tỉnh, trong vụ lúa Đông xuân 2024-2025, HTX Nông nghiệp Phước Lộc, ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A đã triển khai mô hình “Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm”, với 27 hộ dân tham gia, diện tích 30ha. Khi tham gia mô hình, thành viên của HTX được hỗ trợ 50% chi phí lúa giống, vật tư, một thiết bị bay phun thuốc và được hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP; đồng thời được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Đầu tư cơ sở hạ tầng đê bao, thủy lợi đồng bộ giúp HTX Nông nghiệp dịch vụ Tân Tiến sản xuất hiệu quả. 

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Lộc, cho hay: Nông dân trong mô hình áp dụng bón phân theo nhu cầu của cây lúa, sử dụng phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, tăng khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng, từ đó cây lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, năng suất và chất lượng được nâng cao. Ngoài ra, nông dân còn áp dụng cơ giới hóa ở các khâu trong canh tác nên giảm công lao động. Về mặt kinh tế, nông dân trong mô hình đạt lợi nhuận cao hơn khoảng 4 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống, đồng thời sản phẩm làm ra có truy xuất nguồn gốc, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững”.

Cùng niềm phấn khởi, ông Trần Văn Truyền, thành viên Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp dịch vụ Tân Tiến, ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, thông tin: Năm 2024, HTX được ngành nông nghiệp tỉnh và thành phố hỗ trợ triển khai mô hình “Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi giá trị sản phẩm”, quy mô 30ha, 26 hộ dân tham gia. Khi tham gia mô hình đã giúp nông dân giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón cân đối hợp lý, thu gom rơm rạ ra khỏi ruộng đã góp phần giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Qua đây đảm bảo cho việc phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ được sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, lợi nhuận của người trồng lúa trong mô hình cao hơn khoảng 3,1 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.

Theo đó, kết thúc năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện được 180ha mô hình cấp tỉnh về sản xuất lúa chất lượng cao như: tưới nước ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP… Ngoài ra, các địa phương tham gia đề án cũng thực hiện được 40 mô hình cấp huyện với diện tích bình quân từ 50-100 ha/mô hình. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh và địa phương còn tập trung vào củng cố các diện tích lúa đã tham gia Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT) được triển khai trước đó. Từ những việc làm trên, hiện Hậu Giang đã xây dựng và hình thành được gần 16.000ha vùng lúa chất lượng cao theo yêu cầu của đề án.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, ngoài thực hiện mô hình điểm về sản xuất lúa chất lượng cao thì trong năm 2024, các địa phương trong vùng đề án đã tập trung đầu tư, nâng cấp nhiều khu khép kín vùng sản xuất chuyên canh lúa, đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có và hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng, kết hợp đê bao với giao thông… Qua đây, giúp nông dân trong vùng triển khai đề án có thể chủ động tưới, tiêu, quản lý nước và thuận lợi cho máy móc vận hành, di chuyển trong quá trình canh tác và thu hoạch lúa của bà con.

Cần những giải pháp căn cơ

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì trong quá trình thực hiện Đề án thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá vẫn còn những mặt hạn chế cần có giải pháp tháo gỡ để việc triển khai đạt hiệu quả cao hơn theo mục tiêu đề án đưa ra. Cụ thể, diện tích đất trồng lúa ở Hậu Giang đa số là vùng phèn, trũng, do đó, nông dân gặp khó khăn trong việc áp dụng triệt để quy trình canh tác lúa chất lượng cao, điển hình là mô hình “ướt khô xen kẽ”. Về cơ sở hạ tầng, hệ thống đê bao thủy lợi và máy móc thiết bị để phục vụ vùng sản xuất lúa tham gia đề án vẫn chưa được đảm bảo theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, các mô hình thí điểm tham gia đề án đã thực hiện; tuy nhiên, việc kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ qua các vụ lúa vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đo đếm phát thải, chi trả tín chỉ các-bon nên hạn chế nông dân tham gia đề án, từ đó chưa đạt được hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp và tăng trưởng xanh. Ngoài ra, việc thay đổi thói quen canh tác truyền thống, nhất là việc hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao từ phía người dân; đồng thời việc thiếu sự hướng dẫn chi tiết và các chính sách hỗ trợ kịp thời cũng là một trở ngại lớn trong thực hiện các mô hình sản xuất lúa bền vững...

Từ những vấn đề còn đang hạn chế, trong thời gian tới, ngành chức năng có liên quan từ tỉnh đến cơ sở và các HTX tham gia Đề án đã, đang đề ra những giải pháp tháo gỡ. Ông Trần Văn Truyền, thành viên Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp dịch vụ Tân Tiến, ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, thông tin thêm: Tới đây, HTX sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền đến các thành viên trong HTX về những lợi ích mà đề án mang lại cho nông dân, từ đó thu hút sự tham gia nhiệt tình hơn của các thành viên và nông dân trong, ngoài HTX. Bên cạnh đó, nhân rộng để tăng về quy mô, diện tích đất sản xuất lúa áp dụng theo quy trình canh tác lúa chất lượng đã được Bộ NN&PTNT hướng dẫn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập cho người dân trên cùng diện tích canh tác.

Cùng với HTX, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương có tham gia đề an trong tỉnh tiếp tục củng cố diện tích thuộc vùng lúa chất lượng cao đã thực hiện năm 2024, đồng thời mở rộng diện tích lên 28.000ha vào cuối năm nay đảm bảo đầy đủ các tiêu chí mà đề án đã ban hành. Đặc biệt, tập trung xây dựng, củng cố vùng sản xuất lúa thí điểm chi trả giảm phát thải từ Quỹ Tài chính các-bon chuyển đổi (TCAF) mà tỉnh đã đăng ký về Bộ NN&PTNT với diện tích 1.466ha.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, tới đây Sở sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương rà soát cơ sở hạ tầng đối với Dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL” sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới do Bộ NN&PTNT chủ trì. Khi dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Bộ NN&PTNT triển khai, tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ để tạo ra một vùng sản xuất khép kín, đáp ứng các tiêu chí của đề án. Đối với vấn đề liên kết doanh nghiệp thực hiện đề án thì vừa qua Sở đã tổ chức hội thảo và thực hiện thỏa thuận hợp tác với 18 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên quan đến tín dụng, sản xuất tiêu thụ lúa gạo, cung ứng vật tư đầu vào... Tới đây, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt các nội dung đã thỏa thuận, đồng thời tiếp tục kêu gọi nhằm tăng số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết thực hiện đề án với tỉnh để mang lại những hiệu quả cao nhất cho nông dân theo mục tiêu mà đề án đưa ra.

https://baohaugiang.com.vn/kinh-te/chuyen-bien-tich-cuc-tu-de-an-lua-chat-luong-cao-139545.html

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi