(cand.com.vn) - Xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long đang vào giai đoạn cao điểm và kéo dài đến tháng 4. Dự báo khoảng 9/13 tỉnh thành của khu vực này sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả TP Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong 5 năm qua.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, những ngày gần đây, xâm nhập mặn ở khu vực cửa sông nhiều nơi phổ biến lớn hơn trung bình nhiều năm, thậm chí có trạm còn lớn hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, độ mặn thực đo tại trạm Nhà Bè trên kênh Đông Điền là 12,6‰ trong khi trung bình nhiều năm là 11,1‰. Còn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), độ mặn ở các cửa sông đều cao hơn so với trung bình nhiều năm phổ biến từ 3 - 5‰.
Ảnh minh hoạ.
Trước tình hình trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, các cơ quan chức năng và địa phương phải khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước để vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra cao điểm nắng nóng.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương ĐBSCL, nam Trung Bộ và Tây Nguyên cần tổ chức theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn. Qua đó, xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể. Trong đó hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Theo dự báo, năm nay, nước mặn có thể vào sâu hơn so với năm ngoái. Trên sông Cửu Long, sẽ còn 3 đợt xâm nhập mặn nữa. Trong đó tháng 3 sẽ là tháng mặn xâm nhập vào sâu nhất trong năm. Ranh mặn ở sông Tiền và sông Hậu có khả năng xâm nhập vào từ 45 - 60km. Trên các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn xâm nhập mặn sẽ vào sâu trong tháng 3 và 4. Sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập 45-55km, sông Cái Lớn có phạm vi xâm mặn 30-40km. So với năm ngoái đều cao hơn từ 1 - 3km. Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau sẽ đều bị ảnh hưởng từ các đợt xâm nhập mặn. Đây đều là những vựa lúa và có diện tích cây ăn trái lớn nhất cả nước.
Giải thích về tình trạng mặn xâm nhập sâu, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tưởng thuỷ văn Nam Bộ thông tin, hiện tượng hạn mặn xảy ra tại các tỉnh Nam Bộ, nhất là ĐBSCL phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng chủ yếu do mưa ít, nắng nhiều. Khi nắng nhiều lượng bốc hơi luôn lớn, đồng thời khu vực xảy ra mưa ít hoặc không mưa làm cho cán cân ẩm mất cân bằng gây ra khô hạn (lượng nước bổ sung do mưa không bù được lượng nước mất đi do quá trình bốc hơi). Khi hạn xảy ra trên mặt đất/ruộng, các kênh rạch nước sẽ cạn dần, mực nước trên các sông sẽ rút xuống rất thấp. Khi đó, mực nước biển cao hơn sẽ lấn vào sâu theo sông, kênh, rạch và truyền vào nội đồng.
Mực nước sông càng thấp, nước biển càng có điều kiện thuận lợi xâm lấn sâu. Đối với vùng ĐBSCL, một yếu tố khác đó là phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Nếu thượng nguồn ít mưa và sự vận hành các hồ thủy điện không ổn định làm cho mực nước trên các sông Tiền, sông Hậu cũng biến động mạnh; khi mực nước cao lên sẽ đẩy nước mặn ra phía cửa sông, ngược lại khi mực nước xuống thấp, xâm nhập mặn từ Biển Đông theo các nhánh sông vào sâu bên trong.
Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, mức độ xâm nhập mặn trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 sẽ vượt quá mức trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn dự kiến sẽ xâm nhập sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt và các hoạt động kinh tế - xã hội tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
Ông Dũng nhận định, độ xâm nhập mặn tại các cửa sông chính trong thời gian này tăng cao với chiều sâu ranh mặn 4‰, lan rộng từ 30-50km trên các sông như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Hậu và Cái Lớn. Tình hình xâm nhập mặn ở vựa lúa lớn nhất cả nước vẫn còn nhiều biến động do ảnh hưởng của nước từ thượng nguồn Mekong và triều cường. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo các tỉnh thành cần theo dõi sát sao dự báo và chủ động phòng chống. Hiện nay, cảnh báo độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL cấp 2.