Hội nghị triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra tại Trà Vinh ngày 2/1.
Lãnh đạo HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu (huyện Châu Thành) phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN
Ngày 2/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Chính sách này được triển khai trên địa bàn 12 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" gồm thành phố Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Thái, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Trà Vinh triển khai đến lãnh đạo các địa phương và hợp tác xã tham gia Đề án gói tín dụng cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp theo Quyết định số 1490 của Thủ tướng Chính phủ, với các nội dung cụ thể.
Ông Phạm Văn Thái, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Trà Vinh, triển khai gói tín dụng. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thực hiện cho vay phục vụ nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn cho tất cả các khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ trong liên kết lúa gạo để phục vụ Đề án "Phát triển bền vững 1triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng/xếp hạng tín dụng… của Agribank trong từng thời kỳ.
Chương trình không giới hạn quy mô; thời hạn triển khai từ nay đến cuối năm 2030, trong đó triển khai thí điểm đến cuối năm 2025.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích đất trồng lúa hơn 82.000 ha, chiếm 58,5% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Diện tích lúa gieo trồng hàng năm của tỉnh trên 200.000 ha, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn, đứng thứ 7 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 8 cả nước. Giá trị sản xuất cây lúa chiếm khoảng 37% trong tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, đóng góp khoảng 17% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030”, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 10.550 ha và đến năm 2030 đạt 30.736 ha, dự kiến triển khai trên địa bàn 42 xã ở 6 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh gồm: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang.
Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp là một trong 4 chương trình trọng điểm thực hiện Đề án. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia Đề án được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Từ vụ Hè Thu 2024, tỉnh Trà Vinh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn triển khai 2 mô hình thí điểm tại 2 hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài và Phước Hảo (huyện Châu Thành) với 94 hộ tham gia trên diện tích 98,4 ha, thực hiện thí điểm liên tiếp 3 vụ Hè Thu, Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024 - 2025. Qua 2 vụ sản xuất Hè Thu và Thu Đông 2024, mô hình đã chứng minh tính hiệu quả rõ rệt, giảm đáng kể chi phí, tăng lợi nhuận, giảm phát thải từ 20 - 30% so với canh tác thông thường, tích cực bảo vệ môi trường. Đây là kết quả đáng phấn khởi làm cơ sở để địa phương mạnh dạn triển khai nhân rộng trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Khuyến nông chia sẻ kết quả thực hiện mô hình điểm tại 2 hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài và Phước Hảo; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Các ý kiến của các hợp tác xã tham gia đề án về phương thức, điều kiện, thủ tục tiếp cận gói tín dụng … được lãnh đạo Agribank, chi nhánh tại Trà Vinh giải đáp cụ thể tại hội nghị.
https://bnews.vn/trien-khai-chuong-trinh-cho-vay-lien-ket-san-xuat-che-bien-va-tieu-thu-lua-gao/358878.html