(PLO) - Chuyên gia HBSC bày tỏ tin tưởng rằng những thành công mà Việt Nam đã có được trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2024 sẽ có tác dụng trong nhiều năm tới.
Sau thương vụ đầu tư lịch sử vào Việt Nam của doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo hàng đầu nước Mỹ NVIDIA, tạp chí Tech in Asia đã có bài bình luận. Theo Tech in Asia, Việt Nam đang nổi lên như một đối thủ quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu.
Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu vào mạnh Việt Nam từ năm 1991 cho đến nay đã có nhiều thay đổi khiến cho chuyên gia quốc tế ấn tượng - Ảnh: VGP
Việt Nam đang thành công hơn trong việc thu hút các khoản đầu tư công nghệ cao. Đây là bước tiến lớn với Việt Nam trong việc thu hút FDI công nghệ, Tech in Asia bình luận.
Trong trả lời mới đây với PLO, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, ngân hàng HSBC Việt Nam đã có những nhìn nhận lại về con đường thu hút FDI của Việt Nam từ giai đoạn ban đầu cho đến làn sóng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao nổi lên trong những năm gần đây.
Bốn ưu thế nổi bật của Việt Nam trong thu hút FDI
Trước tiên, nhìn vào lợi thế trong thu hút FDI, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, ngân hàng HSBC Việt Nam chỉ ra kể từ khi cấp phép FDI đầu tiên tại Bà Rịa- Vũng Tàu năm 1988 và làn sóng FDI đầu tiên vào Việt Nam năm 1991 với sự gia nhập thị trường của những tên tuổi lớn như PouChen hay Honda, Việt Nam đã trải qua một hành trình dài với những thành tựu ấn tượng để định vị mình là một trong những thị trường thu hút nhiều FDI nhất.
Hiện nay, tính lũy kế, cả nước có hơn 41.700 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 496,7 tỉ USD (tính đến hết tháng 11-2024).
Thành tích này có được là nhờ những ưu thế nổi bật sau, theo chuyên gia HSBC:
- Sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng: Lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam nói chung luôn ghi nhận những con số tích cực qua từng năm. Năm 2024, Việt Nam tiếp tục ghi dấu với tăng trưởng thương mại mạnh mẽ và đạt thặng dư thương mại 24,31 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa tăng 14,4%, trong khi nhập khẩu cũng tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt sau căng thẳng Mỹ - Trung và đại dịch, nhiều công ty nước ngoài, thậm chí là doanh nghiệp Trung Quốc, đã tìm đến Việt Nam như là một cứ điểm sản xuất tốt hơn để giảm thiểu rủi ro cũng như giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
- Liên kết quốc tế sâu rộng: Việt Nam hiện đã ký kết và kết thúc đàm phán 17 FTA, mở rộng hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên toàn cầu. Việt Nam cũng đã xây dựng, duy trì và nâng cấp thành công quan hệ ngoại giao với các đối tác chiến lược, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản,… Những yếu tố này sẽ giúp Việt Nam thông suốt các hoạt động thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, ngân hàng HSBC Việt Nam - Ảnh: HSBC Việt Nam
- Tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng: Việt Nam vốn nổi tiếng là một địa điểm đầu tư với đông đảo dân số trẻ, và chi phí lao động cạnh tranh. Hiện nay, cùng với sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong khu vực, người dân Việt Nam đang ngày càng giàu có hơn.
Tầng lớp trung lưu của Việt Nam chiếm 13% tổng dân số vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 26% vào năm 2026. Số liệu này phản ánh tiềm năng tiêu dùng to lớn tại thị trường Việt Nam, được minh chứng bởi dự báo Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030.
- Nền kinh tế số bùng nổ: Dự báo người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam sẽ đạt 67,3 triệu vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng internet. Con số này cho thấy tương lai tươi sáng của nền kinh tế số Việt Nam. Trong báo cáo e-Conomy SEA 2024 mới đây, nền kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vững chắc ở mức hai chữ số, dẫn đầu là thương mại điện tử và du lịch, đồng thời dự kiến sẽ đạt giá trị 200 tỉ USD vào năm 2030.
Từ thành công mang tên NVIDIA nói đến tác động lan tỏa trong dài hạn
Trong 11 tháng năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới ở Việt Nam đạt 17,39 tỉ USD với hơn 3.000 dự án. Giải ngân FDI đạt 21,68 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp vốn FDI giải ngân trên 20 tỉ USD.
Đặc biệt hơn, Việt Nam chào đón thêm các doanh nghiệp nước ngoài mới đầu tư vào thị trường, nổi tiếng nhất trong thời gian gần đây là Nvidia. Những kết quả đó phản ánh sự niềm tin dài hạn của các nhà đầu tư vào sự chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, ngân hàng HSBC – ông ông Ahmed Yeganeh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Yaganeh, khi các nhà đầu tư có quyết định đầu tư vào Việt Nam, họ lập kế hoạch cho một thời gian dài chứ không chỉ 12 tháng. Do đó, những gì Việt Nam đạt được về FDI trong năm 2024 chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta trong nhiều năm sau đó.
Ông Yaganeh nhận xét Chính phủ Việt Nam đã làm việc rất chăm chỉ và quyết liệt trong thời gian qua, tiếp nhận phản hồi liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài, đưa ra các chính sách ưu đãi hơn cho FDI, hay thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế khu vực và quốc tế, để cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và thu hút thêm FDI, đặc biệt là FDI chất lượng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn, ví như nâng cao trình độ lao động cho người lao động, cụ thể là kỹ năng về AI và công nghệ bán dẫn khi Việt Nam đón nhiều nhà đầu tư chất lượng cao hơn. Điều này cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị của mình.
Vấn đề hạ tầng cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn. Chuyên gia HSBC nhận thấy những tín hiệu tốt về phát triển cơ sở hạ tầng và nếu tiếp tục đà tăng trưởng này, vì vậy sẽ sớm thấy sự khích lệ lớn cho dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.
NGỌC DIỆP
https://plo.vn/hanh-trinh-hon-30-nam-thu-hut-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-cua-viet-nam-day-an-tuong-post827973.html