Vụ lúa thu - đông năm 2024, Đề án đã triển khai tại 02 HTX ở huyện Châu Thành, với diện tích 98,4ha/94 hộ; năng suất bình quân trong mô hình đạt 07 tấn/ha, tăng khoảng 03 - 04% so với ngoài mô hình...
Đại biểu tham dự hội nghị.
Sáng ngày 02/01, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trà Vinh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Trà Vinh tổ chức hội nghị triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2030” (Đề án).
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh; đồng chí Nguyễn Văn Nhu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Trà Vinh dự đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị, có đồng chí Phạm Văn Thái, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Trà Vinh; Thái Phước Lộc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh, UBND và Phòng NN-PTNT 06 huyện, Ban giám đốc HTX nông nghiệp của 32 HTX đăng ký tham gia Đề án.
Ông Lê Phúc Hiền, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Biên (huyện Trà Cú) kiến nghị về chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho thành viên HTX.
Mục tiêu của Đề án về diện tích canh tác của tỉnh đã đăng ký đến năm 2025 đạt 10.550ha và đến năm 2030 đạt 30.736ha; dự kiến triển khai thực hiện trên địa bàn của 42 xã/06 huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang. Thực hiện Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp”; đây là 01 trong 04 chương trình trọng điểm để thực hiện Đề án 01 triệu héc-ta lúa, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn của tất cả các khâu trong liên kết lúa gạo từ sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ...
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết: vụ thu-đông năm 2024, Đề án đã triển khai tại 02 HTX ở huyện Châu Thành, với diện tích 98,4ha/94 hộ; năng suất bình quân trong mô hình đạt 07 tấn/ha, tăng khoảng 03 - 04% so với ngoài mô hình. Lợi nhuận của mô hình tăng từ 15% so với ngoài mô hình (tăng từ 06 - 09 triệu đồng/ha). Bộ NN-PTNT đã chấp thuận trong thực hiện tính giá trị carbon để chi trả cho các hộ thành viên có đăng ký tham gia thực hiện Đề án.
Tại hội nghị, đại diện các HTX kiến nghị ngành ngân hàng cần hỗ trợ vốn theo hình thức tín chấp và có định mức hỗ trợ vốn vay/héc-ta. Ngoài ra, đại biểu cũng mong muốn vốn vay trong mua sắm thiết bị phục vụ nông nghiệp…
Đồng chí Phạm Văn Thái, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Trà Vinh cho biết một số nội dung thực hiện gói hỗ trợ lãi suất trong Đề án: với lãi suất hỗ trợ sẽ thấp hơn tối thiểu là 01%/năm so với kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng và so với lãi suất binh quân chung. Nguồn vốn không giới hạn quy mô triển khai; thời gian có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2030; trong đó, triển khai thí điểm đến ngày 31/12/2025.
Tin, ảnh: HỮU HUỆ
https://www.baotravinh.vn/kinh-te/lai-suat-ho-tro-nong-dan-tham-gia-de-an-thap-hon-01-nam-so-voi-lai-suat-binh-quan-chung-42530.html