Việt Nam đang tích cực thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Thu hoạch tôm nuôi theo hình thức siêu thâm canh năng suất cao trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: HỮU TÙNG |
Trong xu thế chung đó, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị), đầu tư vào công nghệ xanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nông sản của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do, tạo lợi thế về thuế quan cho nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, các đối tác nhập khẩu cũng ngày càng yêu cầu cao về sản xuất xanh, giảm phát thải.
Lan tỏa “làn sóng xanh”
Hộ gia đình chị Trần Kim Phượng ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ là một trong 38 hộ nông dân được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế trao thưởng tiền mặt nhờ có thành tích trong trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính vụ đông xuân từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024.
Chị Phượng chia sẻ: “Với việc chuyển đổi đồng ruộng từ ngập nước liên tục sang áp dụng kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ, giảm lượng phân đã giúp sản xuất lúa của gia đình tôi giảm được 4,38 tấn CO2e/ha. Quy trình sản xuất mới này đang được nhiều bà con trong xã quan tâm và mong muốn thực hiện”.
Giám đốc Hợp tác xã Khiết Tâm (xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Huấn cho rằng, đây là thành quả đầu tiên của mô hình thí điểm theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Từ phương thức sản xuất truyền thống, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng giải pháp canh tác mới; đồng thời đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức của các hộ nông dân về việc bảo vệ môi trường với các nội dung rất mới như giảm phát thải, tín chỉ carbon, thị trường carbon… hướng nông dân tiếp cận gần hơn với xu thế sản xuất nông nghiệp xanh toàn cầu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn năm tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng đều cho kết quả rất tích cực, khi giảm chi phí 20-30%, tăng năng suất 10%, tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25%, giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương trên 1 ha.
Chia sẻ về xu hướng sản xuất và chế biến hướng tới tăng trưởng xanh, bà Phan Thị Bích Phương - Trưởng phòng Hệ thống chất lượng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cho biết: Khẳng định thương hiệu là một “công ty dừa hàng đầu từ Việt Nam”, nhiều năm qua, công ty đã thực hiện chiến lược bền vững “Zero-Waste” (không rác thải) tập trung mạnh mẽ vào ba trụ cột, gồm: môi trường, xã hội và kinh tế. Mỗi trụ cột đều nỗ lực không ngừng để hoàn thành sứ mệnh nâng tầm giá trị cây dừa và đạt mục tiêu sản xuất không phát thải. Dự án bù trừ không phát thải của công ty sẽ được xác thực và xác minh bởi tổ chức quốc tế uy tín với mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2038. Theo đó, Công ty mở rộng diện tích điện năng lượng mặt trời mái nhà; ủ phân sinh học từ bùn thải trong sản xuất; quản lý 15.000 ha vườn dừa hữu cơ; giảm chất thải thực phẩm trong sản xuất; sản xuất điện và hơi nước đồng thời 100% từ nhiên liệu sinh khối. Bên cạnh đó, Betrimex đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thông qua các mô hình canh tác bền vững và số hóa, tận dụng toàn bộ giá trị của quả dừa nhằm gia tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho cộng đồng nông thôn. Hiện nay, khoảng 32,4% dừa của công ty được tiêu thụ nội địa; 67,6% dừa được sử dụng để xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Nông dân gặt lúa bằng máy tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NGUYỄN SỰ |
Vươn đến những thị trường chất lượng cao
Sau hơn bốn năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (từ tháng 8/2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu bốn năm ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12-15%.
Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương), sự tăng trưởng này thể hiện rõ ở nhiều lĩnh vực, trong đó nông nghiệp đóng vai trò đáng kể với các sản phẩm như: cà-phê, trà, gia vị, thủy sản, rau quả, gạo… Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có những tiêu chuẩn khắt khe nhất đối với nông sản và thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt tập trung vào các quy định như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Quy định Chống phá rừng (EUDR)... Muốn duy trì sự hiện diện trên thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới sản xuất, bảo đảm các tiêu chí về môi trường và xã hội, ông Minh Lăng lưu ý.
Thực tế, mức tăng trưởng liên tục của ngành nông nghiệp Việt Nam với con số kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng trong những năm qua đã minh chứng cho sự thích ứng biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng tại các quốc gia trên toàn cầu. Năm 2024, nhiều mặt hàng nông sản đạt kim ngạch kỷ lục, vượt xa năm 2023, như: rau quả, gạo, cà-phê… Nhất là đối với mặt hàng gạo, từ năm 2023 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường xuyên dẫn đầu thế giới. Từ một quốc gia xuất khẩu thiên về số lượng, Việt Nam đã vươn lên thành một nước xuất khẩu gạo tập trung vào chất lượng, đáp ứng các yêu cầu đa dạng của nhiều thị trường như: EU, Nhật Bản, Mỹ…
Không chỉ tại các thị trường quen thuộc, nông sản Việt Nam còn đang có nhiều cơ hội hiện diện tại các thị trường mới nhiều tiềm năng, có mức thu nhập bình quân đầu người cao như thị trường Hồi giáo Halal, các nước Trung Đông...
Ông Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal (Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia) nhận định rằng, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Trong khi đó, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, Việt Nam sẽ từng bước chinh phục thị trường yêu cầu cao để gia tăng hơn nữa giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Năm 2024, Việt Nam đã ký thêm nhiều Nghị định thư xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (CEPA) - hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Việt Nam với một nước Arab - cũng đã được ký kết. Đây sẽ là những “bệ đỡ” quan trọng cho nông sản Việt Nam vươn ra thế giới, mà ở đó, những sản phẩm xanh, giảm phát thải, giảm “dấu chân carbon” sẽ có lợi thế và giá trị vô cùng lớn.
Việt Nam hiện là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện chương trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên quy mô lớn với mục tiêu đạt một triệu ha vào năm 2030. Đây sẽ là “chứng nhận xanh” gia tăng hơn nữa giá trị hạt gạo và tạo ra sức hút lớn đối với các thị trường nhập khẩu.
ÁNH TUYẾT
https://nhandan.vn/nong-nghiep-xanh-hoa-dau-chan-carbon-post854099.html