Giá gạo xuất khẩu giảm, vì sao?

(VLO) - Giá lúa gạo trong nước hiện đang ở mức thấp. Nguyên nhân được cho là do vụ Đông Xuân sớm bắt đầu thu hoạch khiến nguồn cung tăng. Các thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam như Philippines, Indonesia hay Trung Quốc cũng chưa có dấu hiệu tham gia thị trường.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024 nước ta đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo với 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá trị.

Về đơn giá, năm 2024 nước ta đạt đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn (trước đây dưới 600 USD/tấn), tăng 9% so với năm ngoái. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần, giá lúa gạo nội địa và xuất khẩu đang ở mức thấp nhất 2 năm qua, trong khi vụ thu hoạch lúa Đông Xuân mới bắt đầu, khiến nhiều nông dân lo lắng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm đã giảm tổng cộng đến 25 USD, chỉ còn 473 USD/tấn, mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Còn theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhiều sản phẩm gạo xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trước đây như OM 5451 có giá 640-650 USD/tấn thì đến cuối năm 2024 chỉ còn khoảng 560 USD/tấn và hiện tại còn khoảng 540 USD/tấn. Tương tự, gạo ĐT8 trước đó từ 660-670 USD/tấn, đến cuối năm 2024 giảm còn 570 USD/tấn và hiện nay khoảng 550 USD/tấn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2024 của Bộ Công Thương vừa qua, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng giá gạo giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh Ấn Độ đang “xả hàng” sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng như bỏ thuế xuất khẩu. Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới. “Giá gạo xuất khẩu cũng như chứng khoán, có lúc lên, lúc xuống, lúc tăng, lúc giảm. Đây là điều hết sức bình thường”- ông Hải nói.

Cùng với việc gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và có những bạn hàng nhất định; doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo, từ đó tìm kiếm được những thị trường xuất khẩu gạo mới.

Ông Hải cũng cho rằng, doanh nghiệp, người dân sản xuất lúa gạo cần trợ lực từ nhiều bên. Chẳng hạn, ngân hàng hỗ trợ vay vốn để tăng cường mua gạo tích trữ, nhân lúc giá đang xuống thấp, giúp bình ổn thị trường trong nước.

Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới, cần đề ra các giải pháp quản lý hiệu quả về xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo.

LÝ AN

https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202501/gia-gao-xuat-khau-giam-vi-sao-4f65c8b/

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi