Mô hình thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Châu Phú

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có tên đầy đủ là Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2023 và đang từng bước triển khai, thực hiện đề án trên khắp các tỉnh ĐBSCL.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Đề án được xem là “chìa khóa vàng” để mở ra một chương mới cho ngành lúa gạo Việt Nam. Đề án không chỉ là động lực thúc đẩy chuyển đổi canh tác bền vững ở ĐBSCL mà còn là lời khẳng định cam kết của Việt Nam với quốc tế về phát thải khí nhà kính, chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang phương thức canh tác bền vững 1 Phải 5 Giảm (1P5G).

Tại huyện Châu Phú, thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành Quyết định 1497/QĐ-UBND ngày 16/8/2024 về việc ban hành kế hoạch thực hiện đề án, với mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn huyện phải có 7.388 ha và đến năm 2030 phải có 22.983 ha diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

 Nhằm giúp nông dân áp dụng các gói kỹ thuật về canh tác lúa đảm bảo sản xuất bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Vụ Thu đông 2024, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm theo quy trình 1P5G, kết hợp công nghệ sinh thái. Đây là mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 50 ha, với 16 hộ nông dân tham gia tại ấp Mỹ Bình xã Thạnh Mỹ Tây thuộc Tổ hợp tác Bích Vân (trong đó, có 2 ha áp dụng trồng hoa sinh thái). Ruộng mô hình sử dụng giống OM 18 xác nhận 1, gieo sạ với phương thức kéo hàng và sạ Drone 80kg/ha, ứng dụng quy trình 1P5G. Ruộng đối chứng sử dụng giống OM 18, gieo sạ 180kg/ha. Với chỉ tiêu theo dõi: Sử dụng bổ sung phân hữu cơ, giảm phân đạm; khuyến khích áp dụng công nghệ sinh thái để quản lý dịch hại tổng hợp; áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ; xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh (mô hình đã sử dụng chế phẩm vi sinh EMUNIV xử lí nhanh rơm rạ ngay tại ruộng); theo dõi lấy các chỉ tiêu sinh học về chiều cao, số chồi, năng suất và hạch toán kinh tế để so sánh được hiệu quả giữa ruộng mô hình và đối chứng của nông dân.

Kết quả trên ruộng mô hình tỉ lệ chồi hữu hiệu cao và ít sâu bệnh hơn ruộng đối chứng. Ruộng mô hình giảm được lượng phân 74 kg/ha so với ruộng đối chứng, trong đó phân đạm giảm 61 kg/ha. Ruộng mô hình cây lúa phát triển tốt, cứng cây, lá lúa thẳng đứng, có màu xanh bền. Về số bông, ở ruộng đối chứng có 526 bông/m2 và ruộng mô hình có 505 bông/m2. Trong đó, ở ruộng mô hình 76 hạt chắc/bông và ở ruộng đối chứng 70 hạt chắc/bông. Đặc biệt, mật số thiên địch ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng và đạt mật số tối đa vào giai đoạn 35 ngày sau sạ do ruộng mô hình trồng hoa công nghệ sinh thái trên bờ ruộng thu hút thiên địch, hạn chế 1 lần phun thuốc trừ sâu so với ruộng đối chứng. 

Anh Phạm Văn Lộc, nông dân thực hiện mô hình chia sẻ: “Kết quả sau khi thực hiện mô hình giảm được chi phí trong sản xuất như: Giống gieo sạ giảm 100 kg/ha so với ruộng đối chứng; phân bón giảm 74 kg/ha, trong đó phân Ure giảm 61 kg/ha; giảm thuốc trừ sâu 1 lần so với ruộng đối chứng; năng suất lúa ước tính cao hơn so với ruộng đối chứng 300kg/ha; lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng khoảng 6.600.000đ/ha. Bước đầu thực hiện mô hình tôi cũng rất lo ngại, nhất là lượng giống gieo sạ, áp dụng giảm lượng giống khá nhiều so với phương pháp truyền thống và vào vụ Thu đông mưa bão nhiều, chuột hại nhiều nên tôi có phần lo lắng. Nhưng được sự đồng hành hỗ trợ về kỹ thuật của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, nhất là áp dụng đúng theo các biện pháp kỹ thuật canh tác được hướng dẫn, tập huấn đã giúp tôi thực hiện mô hình mang lại kết quả phấn khởi”. 

Chia sẻ tại Hội thảo tổng kết mô hình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hiệp, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Việc ứng dụng giải pháp vi sinh tích hợp vào xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng đã đem lại cho mô hình những hiệu quả rõ rệt như: Lượng phân bón giảm từ 25-30%, thuốc BVTV phòng sâu bệnh giảm từ 20-30%, đặc biệt những ruộng có quản lý rơm rạ theo hướng dẫn đã tránh được thiệt hại do dịch bệnh cháy lá lúa, bông lúa dài, nặng hạt, năng suất lúa tăng trên 10%. Giải pháp vi sinh tích hợp rất dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân vùng ĐBSCL; áp dụng công nghệ vi sinh vào quản lý rơm rạ trên đồng ruộng bên cạnh các biện pháp kỹ thuật canh tác khác để kiểm soát phát thải khí nhà kính, giảm chi phí phân bón, giảm sử dụng thuốc BVTV, tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao. Tính đến nay có trên 2.200 ha lúa tại ĐBSCL áp dụng thành công giải pháp này”. 

 

Trúc Mai

https://chauphu.angiang.gov.vn/mo-hinh-thuc-hien-de-1-trieu-hec-ta-lua-chat-luong-cao-tren-dia-ban-huyen-chau-phu

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi