Gỡ điểm nghẽn về vốn, tiếp sức doanh nghiệp lúa gạo ở ĐBSCL

ĐBSCL - Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL vẫn còn khó khăn.

Chia sẻ tại hội thảo Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh, bền vững được tổ chức mới đây, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho rằng, việc tiếp cận đủ các nguồn vốn vay ngắn hạn và dài hạn sẽ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp khi thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Khi đó, doanh nghiệp sẽ có vốn thanh toán tiền lúa tươi cho nông dân lúc thu hoạch; xây dựng và lắp đặt máy sấy lúa, silo chứa lúa, các hạng mục cơ giới hóa đồng bộ cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho vùng liên kết, xay xát, chế biến, chế biến sâu, đóng gói các sản phẩm trong chuỗi lúa, gạo.

Việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL vẫn còn khó khăn. Ảnh: Mỹ LyViệc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL vẫn còn khó khăn. Ảnh: Mỹ Ly

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL. Dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỉ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn. Dư nợ ngành lúa gạo tại vùng đạt khoảng 124 nghìn tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2023, chiếm 11% dư nợ toàn vùng và 53% dư nợ tín dụng lúa gạo cả nước.

Dù vậy, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL, kể cả các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, thủy sản, rau quả vẫn còn khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - đã nêu ra một số hạn chế, tồn tại. Chính sách ứng dụng công nghệ cao chưa được cụ thể hóa trên thực tế nên chưa thu hút được nguồn lực cần thiết trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; việc liên kết giữa 4 nhà còn thiếu chặt chẽ, bền vững, các cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa thực hiện nghiêm túc, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa, tạo khó khăn cho ngân hàng khi thu hồi vốn vay.

Với tư duy trong tín dụng nông nghiệp nông thôn là rủi ro cao nhưng khách hàng muốn lãi suất thấp cùng với việc thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro khiến hiệu quả tín dụng đầu tư thấp. Bảo hiểm nông nghiệp có chính sách, hướng dẫn nhưng triển khai thực tế còn chậm, chưa có tổng kết để chính thức nhân rộng. Việc thực hiện cam kết cho vay tín dụng nông nghiệp nông thôn không dễ do áp lực lợi nhuận, mạng lưới chi nhánh còn mỏng, trình độ thẩm định. Bên vay thiếu tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo có vấn đề...

Rủi ro cao nhưng lãi suất thấp dẫn đến hiệu quả tín dụng đầu tư trong nông nghiệp nông thôn thấp. Ảnh: Mỹ LyRủi ro cao nhưng lãi suất thấp khiến hiệu quả tín dụng đầu tư trong nông nghiệp nông thôn thấp. Ảnh: Mỹ Ly

Để tháo gỡ những khó khăn, TS. Cấn Văn Lực gợi ý Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện hệ thống thông tin dự báo về thị trường, giá cả nông sản giúp nông dân và doanh nghiệp có định hướng sản xuất, tiêu thụ ổn định; Có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; Khuyến khích phát triển liên kết, tài trợ chuỗi cung ứng.

Mặt khác, triển khai hiệu quả hơn chính sách bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp; Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn; Thực thi hiệu quả, nhanh, đơn giản hơn các chính sách động lực ưu tiên cho phát triển nông nghiệp nông thôn.

TS. Cấn Văn Lực cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất phù hợp nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn; Cơ cấu lại mạng lưới, kênh phân phối hoạt động, phù hợp hơn đối với khu vực nông nghiệp nông thôn; Xây dựng/đổi mới chính sách và quy trình cấp tín dụng đối với từng phân khúc khách hàng...

https://laodong.vn/kinh-doanh/go-diem-nghen-ve-von-tiep-suc-doanh-nghiep-lua-gao-o-dbscl-1423377.ldo

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi