Giá lúa gạo nội địa và xuất khẩu đang ở mức thấp nhất 2 năm qua, trong khi vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm cũng mới bắt đầu, khiến nhiều nông dân lo lắng. Tuy nhiên, dự báo năm 2025 nhu cầu vẫn ở mức cao, nên nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp chặn đà rơi của giá lúa gạo để chờ cơ hội ở giai đoạn sau.
Giá gạo chạm đáy, vì sao?
Nếu hai cái tết gần đây giá lúa liên tục tăng, nông dân hồ hởi đón năm mới thì năm nay ngược lại, giá lúa những ngày này lại liên tục giảm. Ông Nguyễn Thành An, nông dân xã Tân Tuyến (H.Tri Tôn, An Giang), cho biết: Vụ thu đông vừa qua giá các giống lúa hạt dài như OM hay ĐT khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg. Còn thời điểm hiện tại mới chớm vào vụ đông xuân nhưng giá lúa liên tục giảm, chỉ còn khoảng 7.000 - 7.200 đồng/kg. Mức giá hiện nay cũng thấp hơn khoảng 1.500 đồng/kg so với vụ đông xuân năm ngoái. "Hiện nay chỉ có lúa Nhật còn giữ giá khá tốt, khoảng 8.500 đồng/kg. Nhưng tôi vẫn lo giá lúa sẽ còn giảm lúc cao điểm thu hoạch vụ đông xuân sau Tết Nguyên đán, nên đã đồng ý nhận cọc bán cho thương lái giá 7.900 đồng/kg", ông An cho biết.
Giá lúa gạo liên tục giảm vì nhiều nước nhập khẩu gạo đang nghỉ tết
ẢNH: CÔNG HÂN
Ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), xác nhận: Nhiều sản phẩm gạo xuất khẩu chủ lực của VN trước đây như OM 5451 có giá 640 - 650 USD/tấn thì đến cuối năm 2024 chỉ còn khoảng 560 USD/tấn và hiện tại còn khoảng 540 USD/tấn. Tương tự, gạo ĐT8 trước đó từ 660 - 670 USD/tấn, đến cuối năm 2024 giảm còn 570 USD/tấn và hiện nay khoảng 550 USD/tấn. "Thị trường vắng người mua, đặc biệt khách hàng lớn nhất là Philippines cũng đang trong giai đoạn nghỉ tết. Trong khi đó, vụ đông xuân sớm của VN bắt đầu thu hoạch khiến nguồn cung tăng nên giá giảm. Do giá gạo VN và các nước cũng liên tục giảm nên các nhà nhập khẩu cũng chần chừ, nghe ngóng", ông Trọng lý giải.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV, phân tích: Giá lúa gạo giảm vì ngoài Philippines thì các thị trường quan trọng khác như Indonesia hay Trung Quốc cũng chưa có dấu hiệu tham gia thị trường. Khi vắng người mua thì một số người bán có tâm lý nóng vội muốn bán nhanh nên giảm giá để tăng cung. Khi giá gạo càng giảm, thị trường lại càng có tâm lý muốn mức giá tốt hơn nữa. Vòng luẩn quẩn này chịu tác động mạnh từ nguồn cung dồi dào từ thị trường Ấn Độ sau hơn 1 năm hạn chế xuất khẩu. Đáng nói, ở thời điểm hiện tại, không chỉ xuất khẩu khó khăn mà ở thị trường nội địa, sức tiêu thụ cũng chậm lại, do trước đó nhiều doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị xong nguồn hàng phục vụ tết. Một số địa phương ở ĐBSCL đã bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân sớm nên giá đang ở mức thấp nhất 2 năm qua. Cụ thể, giá lúa nguyên liệu IR50404 (sản xuất gạo 5% tấm) chỉ còn trên 6.000 đồng/kg, lúa giống OM 5451 còn khoảng 6.500 đồng/kg và lúa thơm khoảng 7.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo xuất khẩu của VN giảm mạnh liên tiếp 2 tuần qua. Gạo 5% tấm đã giảm tổng cộng đến 25 USD, chỉ còn 473 USD/tấn, mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng khác cũng liên tục giảm giá. Không chỉ VN mà giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng lùi về mức 498 USD/tấn, hay như gạo Pakistan giảm còn 450 USD/tấn. Chỉ riêng gạo Ấn Độ tăng 3 USD lên 451 USD/tấn.
Nhu cầu năm 2025 vẫn cao
Giá lúa gạo giảm khiến nông dân lo lắng, nhưng về cơ bản nhu cầu năm nay vẫn cao. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, nhu cầu tiêu thụ và thương mại gạo năm 2025 của thế giới vẫn ở mức cao. Đặc biệt thị trường lớn nhất thế giới là Philippines sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu gạo và đạt đến con số kỷ lục là 5,4 triệu tấn. Bên cạnh đó là sự tham gia trở lại thị trường của khách hàng lớn như Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và DN, thị trường đang bị tác động mạnh bởi yếu tố chính trị từ các nước nhập khẩu lớn. Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, phân tích: Do gạo là mặt hàng lương thực quan trọng nên các chính phủ đều muốn kiểm soát giá và đưa về mức thấp nhất có thể. Như Philippines, giữa năm ngoái chính phủ nước này giảm thuế nhập khẩu với mục đích giảm giá gạo nội địa nhưng thời gian qua giá gạo vẫn không giảm. Để đối phó vấn đề này, Philippines đã tiến hành điều tra một số DN lớn. Bên cạnh đó, nước này không cho phép DN dán nhãn gạo chất lượng cao với sản phẩm nhập khẩu nhằm tránh tình trạng nâng giá bán. Những yếu tố này làm ảnh hưởng nhiều đến sức mua của thị trường trong giai đoạn hiện tại.
Đối với nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ, họ chiếm lĩnh thị trường châu Phi với giá thấp nên gạo VN cũng khó cạnh tranh. Ấn Độ cũng có thỏa thuận thương mại với sản lượng 1 triệu tấn gạo non-basmati cho thị trường Indonesia. "Phần lớn những thông tin hiện tại với thị trường gạo đều là có lợi cho người mua", bà Phan Mai Hương nhận định.
Với Indonesia, năm 2024 là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới với sản lượng khoảng 3,7 triệu tấn. Tuy nhiên gần đây nước này liên tục tuyên bố sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2025. Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng tính xác thực của những tuyên bố này cần phải có thời gian để kiểm chứng. Cũng không loại trừ khả năng đó là một đòn tâm lý trên thị trường của các nhà làm chính trị nhằm hạ cơn sốt giá gạo những năm gần đây. Với Philippines cũng vậy, họ có nhiều giải pháp mang tính chính trị để giảm nhiệt cơn sốt giá gạo như tìm kiếm các nguồn cung khác từ Ấn Độ, Pakistan và cả xả hàng dự trữ hay điều tra các nhà nhập khẩu với nghi vấn thao túng giá.
"Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng với thị trường Philippines thì gạo VN vẫn là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Do vậy, dù hiện tại chưa có đơn hàng, nhưng nhận thấy giá gạo đang ở mức đáy nên chúng tôi vẫn mua vào để chuẩn bị phục vụ thị trường xuất khẩu sắp tới, với giá gạo lứt giống 50404 là 8.000 đồng/kg, gạo OM5451 từ 9.200 - 9.300 đồng/kg và gạo thơm từ 10.000 - 10.500 đồng/kg", ông Thành nói và kiến nghị: "Ở thời điểm này, Chính phủ có thể hỗ trợ các DN đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo về vốn và lãi suất để tăng cường thu mua lúa gạo cho nông dân thì có thể chặn đợt giảm giá hiện nay".
Đồng tình quan điểm này, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA, lý giải: Theo dự báo của các tổ chức uy tín như Bộ Nông nghiệp Mỹ thì nhu cầu gạo thế giới trong năm 2025 vẫn cao, đặc biệt là Philippines. Do vậy các DN cần bình tĩnh, không nên chạy đua giảm giá sẽ càng làm khó cho cả ngành hàng. Hiện nay, VN sắp vào vụ đông xuân, DN cần nguồn tài chính lớn để thu mua lúa từ nông dân. Để chặn đà giảm giá hiện tại và có nguồn hàng dự trữ phục vụ nhu cầu xuất khẩu lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ DN về vốn và lãi suất.
"Thời gian qua, chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất yêu cầu DN phải có hợp đồng cả đầu ra và đầu vào. Đây là điểm khó khăn cần được tháo gỡ. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn thẳng vào thực trạng là chúng ta bị lệ thuộc vào một vài thị trường. Về lâu dài cần nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo để đa dạng hóa thị trường", ông Đỗ Hà Nam nêu ý kiến.
Nguồn: VFA
https://thanhnien.vn/lam-gi-de-chan-da-giam-gia-lua-gao-185250106230813726.htm