Giống gạo ST25, được biết đến là “Gạo ngon nhất thế giới”, là thành quả của hơn 30 năm nghiên cứu không ngừng nghỉ của kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự.
Khởi đầu từ khát vọng”
Kỹ sư Hồ Quang Cua sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Đông, một vùng đất thuần nông thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Tuổi thơ của ông gắn liền với ruộng đồng, làng quê, nơi mà cây lúa trở thành người bạn thân thiết trong suốt hành trình đời sống của ông.
Sau khi hoàn thành chương trình học tại trường Trung học Hoàng Diệu Ba Xuyên (nay là trường THPT Hoàng Diệu, Sóc Trăng), ông thi vào Khoa Nông nghiệp của trường Đại học Cần Thơ và tốt nghiệp vào năm 1978 với tấm bằng kỹ sư ngành trồng trọt.
Kỹ sư Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của gạo ngon nhất thế giới - ST25. |
Quá trình công tác của ông bắt đầu từ năm 1978 tại Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên, sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Dù công tác trong ngành nông nghiệp, nhưng ông luôn nuôi dưỡng trong mình ước mơ nghiên cứu và cải tiến giống lúa, giúp nâng cao giá trị cây lúa Sóc Trăng và gạo Việt Nam.
Năm 1996, trong một lần xuống đồng, kỹ sư Hồ Quang Cua phát hiện một giống lúa có gốc màu tím, hạt thon dài, khác biệt hoàn toàn so với các giống lúa khác mà ông đã biết. Lúc này, Thái Lan công bố việc lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng nên ông nghĩ tại sao họ làm được còn Việt Nam lại không. Vậy là vị kỹ sư nông nghiệp nghĩ đến giống lúa thơm và từ những cá thể VD20 đột biến đầu tiên, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời.
“Sự phát hiện này tình cờ nhưng rất có ý nghĩa đối với công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được chúng tôi thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất”, ông Hồ Quang Cua nhớ lại.
Đến năm 2003, kỹ sư Hồ Quang Cua có thêm hai cộng sự là TS. Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương. Ông Phương sau đó phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh, hiệu quả. Thông qua tiêu chí mùi thơm, nhóm nhà khoa học loại được những giống lúa không đạt chuẩn.
Kỹ sư Hồ Quang Cua dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, lai tạo giống lúa. Ảnh: Cao Xuân Lương |
Kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu đã không ngừng tìm kiếm các nguồn gen quý hiếm để kết hợp và phát triển. Những giống lúa như Khao Dawk Mali, Hoa Sữa, ST1, ST3 và sau này là ST5, Basmati đã trở thành nền tảng để tạo ra các giống lúa ST có hương vị đặc trưng. Đặc biệt, sự kết hợp giữa hương cốm từ các giống lúa miền Bắc và hương dứa của giống KDM đã giúp tạo nên sự khác biệt độc đáo cho gạo ST24 và ST25 - những giống gạo được thế giới công nhận.
Chia sẻ về động lực nghiên cứu, ông Cua cho biết: “Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được 2 giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không? Cứ như thế, trong đầu tôi lúc nào cũng suy nghĩ đến việc phát triển giống lúa thơm mới cho Việt Nam và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng được hình thành và tồn tại tới ngày hôm nay".
Thương hiệu gạo ngon nhất thế giới - Niềm tự hào quốc gia
Năm 2017, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về mua bán gạo do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) tại Ma Cao (Trung Quốc), trước các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của thế giới, gạo ST24 có những phẩm chất vượt trội như ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa,… đã được chọn và vinh danh là một trong ba loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới và giải Nhất ST24 hữu cơ tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ III - Long An năm 2018.
Ông Hồ Quang Cua nâng cúp vinh danh gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Vào năm 2019, tại Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới tổ chức trong khuôn khổ hội nghị Thương mại gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines) từ ngày 10-13/11, với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh gạo quốc tế, Việt Nam cùng hàng trăm nhà xuất nhập khẩu gạo lớn thế giới đã quy tụ về đây tranh tài.
Kết quả gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất Thế giới 2019.
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết thêm, lần dự thi này, ông và các cộng sự mang 2 loại gạo ST24 và ST25 dự thi. Kết quả, cả 2 loại gạo này được ban giám khảo chấm đồng điểm với nhau.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, ban giám khảo quyết định chọn giống gạo ST25 là gạo ngon nhất tại hội thi lần này để công bố chính thức trên trang thông tin của mình (trtworldrice.com). Với kết quả này, Việt Nam tự hào khi cả 2 giống ST24 và ST25 đều được đánh giá là loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019.
Với thắng lợi này, ngành lúa gạo Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế, đồng thời thể hiện năng lực sản xuất và quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo Việt ra thế giới. Công lao này có sự đóng góp rất lớn của kỹ sư Hồ Quang Cua.
Về đặc tính, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết: “ST25 là giống lúa cứng và cao cây (110cm - 115cm), lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt, thân cứng nếu bón phân cân đối không đổ ngã. Giống lúa này không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông... Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha, trung bình khoảng 6 - 7 tấn/ha”.
Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa thơm ST ở ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng ở Tây Nguyên phát triển rất nhanh nhờ lợi nhuận. Vụ đông xuân vừa qua, hầu hết diện tích lúa ST trên đất nuôi tôm các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu đều trúng mùa, giúp nông dân đạt lợi nhuận từ 50 triệu đồng/ha trở lên.
“Từ trước đến nay người nông dân trồng lúa lợi nhuận không quá 30% nhưng với lúa ST24, ST25 người nông dân có thể thu về tới 60-70%. Giống lúa ST24, ST25 đã chứng minh rằng, cây lúa không chỉ là nguồn lương thực mà còn là một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình", ông Cua hào hứng chia sẻ.
Thách thức bảo vệ thương hiệu
Dù gặt hái được thành công vang dội, hành trình bảo vệ và phát triển thương hiệu gạo ST25 không hề dễ dàng. Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, để một thương hiệu gạo vươn tầm quốc tế, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Kỹ sư Hồ Quang Cua kiểm qua quy trình đóng gói gạo ST25 |
Ông Cua chia sẻ: “Thông qua sự hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ để tự xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho gạo ST25. Nhãn hiệu này đã được bảo hộ tại Việt Nam, Hong Kong, Trung Quốc, EU, và Úc. Tuy nhiên, việc chống đỡ nạn hàng nhái, hàng giả vẫn luôn là thách thức lớn.”
Một trong những vấn đề cấp bách là tình trạng gạo ST25 bị đăng ký bảo hộ bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Cua nhấn mạnh rằng Nhà nước cần chủ động hơn trong việc hỗ trợ đăng ký thương hiệu quốc gia ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Kỹ sư Hồ Quang Cua kiến nghị: “Việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia phải do cơ quan quản lý nhà nước chủ trì. Không thể giao cho các hiệp hội ngành hàng vì nếu ai cũng bảo vệ sản phẩm của riêng mình thì sẽ dẫn đến tình trạng dàn hàng ngang, thiếu trọng tâm. Chúng ta cần có một bộ quy chuẩn rõ ràng, trong đó thương hiệu quốc gia phải là biểu tượng cho sự tinh túy nhất của nông sản Việt Nam.”
Kỹ sư Hồ Quang Cua cũng cho rằng, học hỏi từ kinh nghiệm của Thái Lan là rất cần thiết. Thái Lan đã xây dựng thương hiệu gạo Hom Mali - gạo thơm quốc gia - với quy chuẩn chặt chẽ, trong đó độ thuần di truyền tối thiểu phải đạt 92%. Hệ thống hậu kiểm của họ cũng được tổ chức bài bản, thông qua các thương vụ tại đại sứ quán ở nước ngoài để kiểm tra chất lượng gạo nhập khẩu, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, ông Cua đề xuất xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo, bao gồm cả việc xử lý hàng giả, hàng nhái. “Chỉ khi nào doanh nghiệp được hỗ trợ toàn diện từ quy trình sản xuất, đóng gói đến bảo hộ nhãn hiệu, họ mới có thể yên tâm tập trung phát triển chất lượng sản phẩm”, ông Cua nhấn mạnh.
Hành trình hơn 30 năm nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến của kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự đã đặt một dấu mốc lịch sử cho ngành lúa gạo Việt Nam. Từ những ngày đầu phát hiện giống lúa "lạ" tại Sóc Trăng, ông đã không ngừng kiên trì với giấc mơ mang gạo Việt vươn ra thế giới. Gạo ST24 và ST25 không chỉ là những sản phẩm nông nghiệp thông thường, mà còn là niềm tự hào dân tộc, minh chứng cho khả năng đổi mới, sáng tạo và khát vọng xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Với những đóng góp cho ngành Nông nghiệp, kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được 7 Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, đoạt hạng Nhất trong tất cả các cuộc thi trong nước, được Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) chứng nhận thành tựu. Riêng cá nhân kỹ sư Hồ Quang Cua 2 lần vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề cử là đại biểu dự Vinh quang Việt Nam (năm 2014 và 2017). Năm 2011, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm 2018, kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi “Thi đua yêu nước”, kỹ sư Hồ Quang Cua được chọn là một trong 70 gương mặt điển hình tiêu biểu của cả nước được vinh danh. |
Ngân Nga
https://thuonghieuquocgia.congthuong.vn/ong-ho-quang-cua-va-thuong-hieu-gao-ngon-nhat-the-gioi-368315.html