Bạc Liêu - Nghịch lý này được Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp phải nghiên cứu, khắc phục cho được.
Lúa ST25 được trồng trên đất Bạc Liêu. Sau thu hoạch bán cho doanh nghiệp ngoài tỉnh chế biến thành gạo xuất khẩu. Ảnh: Nhật Hồ
Thế mạnh nhưng nông dân tự bơi
Tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích gieo trồng lên đến 180.500 ha, sản lượng lúa hàng năm lên đến trên 1,2 triệu tấn. Cùng với con tôm và các loại nông sản khác, cây lúa được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng hạt lúa Bạc Liêu vẫn long đong.
Bà Phan Thị Đèo (ấp Nhà lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) cho biết lúa ST24 thế này thương lái trả 13.000 đồng/kg bà vẫn chưa chấp nhận do năm nay giá lúa cao. Ảnh: Nhật Hồ
Ông Nông Văn Thạch - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Ba Đình (huyện Hồng Dân) - cho biết: Liên kết sản xuất với doanh nghiệp họ bắt buộc nông dân sử dụng toàn bộ sản phẩm của họ cung cấp, trong khi các sản phẩm ấy không phải lúc nào cũng phù hợp với điều kiện kỹ thuật và đất đai. Mặt khác, diện tích bao tiêu chưa nhiều nên nông dân không muốn tham gia liên kết.
Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ nhiệm HTX Vĩnh Cường - cho rằng, khi mua lúa xong, HTX chà gạo, đóng gói, tự tìm nơi tiêu thụ. Tại Bạc Liêu không có đơn vị thu mua xuất khẩu gạo nào được cấp phép nên HTX phải liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Điều này đồng nghĩa với chi phí của doanh nghiệp cao hơn.
Trong khi đó, chính quyền địa phương tập trung xây dựng nguồn nguyên liệu, phát triển sản xuất sao cho năng suất, sản lượng, chất lượng đều tăng. Việc thu mua, chế biến, xuất khẩu nằm ngoài tầm tay của địa phương.
Ông Trần Anh Thi - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi - cho rằng, thế mạnh của huyện là sản xuất lúa. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục duy trì và phát triển vùng chuyên canh lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư vào hạ tầng cơ sở như: điện, đường, kênh mương, ô đê bao, trạm bơm điện,... với mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Song song đó, huyện khuyến khích sự phát triển của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để thúc đẩy liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa.
Mỗi năm mất hàng triệu USD
Kim ngạch xuất khẩu lúa gạo của Bạc Liêu đến nay vẫn bằng 0 dù mỗi năm cung cấp cho thị trường xuất khẩu lượng hàng hóa khoảng 400 triệu USD, do các công ty lương thực tính vào nguồn xuất của các doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, tỉnh có sản lượng lúa lớn mà không xuất khẩu gạo được là thiệt thòi rất lớn. Không những thiệt cho ngân sách mà người dân cũng thiệt.
Bạc Liêu có nhiều thương hiệu gạo nhưng mới chỉ bán trong nước, chưa đủ mạnh để xuất khẩu. Ảnh: Nhật Hồ
Chủ tịch Bạc Liêu nhìn nhận, đến khi thu hoạch, nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào cò: Cò kêu máy gặt liên hợp đến thu hoạch; cò giới thiệu người thu mua, cò đưa ra mức giá cho người dân…
"Cò thao túng tất cả khâu thu hoạch lúa của tỉnh, các địa phương biết không. Tôi cho rằng biết hết, nhưng khó làm, khó cấm vì chúng ta không có nhà máy thu mua với số lượng lớn. Lúa bán cho thương lái ngoài tỉnh vào mua. Các HTX, doanh nghiệp liên kết cũng chở lúa Bạc Liêu đi nơi khác. Lúc giá lúa tăng như hiện nay thì không sao, khi lúa giảm giá, thu hoạch ngay mưa thì nông dân bị ép giá là điều tất nhiên", ông Thiều nói.
Trước thực tế này, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu - cho biết, Sở đang khuyến khích đầu tư lĩnh vực tiêu thụ lúa, gạo; bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu lúa, gạo đủ mạnh để phục vụ xuất khẩu.
https://laodong.vn/kinh-doanh/hon-12-trieu-tan-lua-nhung-bac-lieu-lai-khong-xuat-khau-gao-1434883.ldo