(plo.vn) - Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng để ngành gạo Việt Nam phát triển bền vững, đi đường dài cần đa dạng loại gạo, mỗi doanh nghiệp có một vùng nguyên liệu.
Việc phải tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp, sở ngành tại tọa đàm “Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 9-1.
Cánh đồng lớn
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới. Năm 2023 kết quả đã tốt, năm 2024 có thể tốt hơn nếu chúng ta tận dụng được cơ hội thị trường, khi nhu cầu tiêu thụ gạo vẫn lớn.
Bối cảnh thế giới đang thiếu gạo, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng ít hơn, có thể tăng sản xuất. Theo ông Bình, đây không chỉ là cơ hội trời cho mà có cả sức mạnh nội tại.
Giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan không phải nhờ may mắn mà có sự đầu tư thật sự. Việt Nam có bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao hơn hẳn Thái Lan.
“Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo Việt Nam chính là cánh đồng lớn, là sự liên kết của doanh nghiệp và nông dân, đôi bên cùng có lợi. Chính phủ có giải pháp đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu triển khai thành công nông dân có lãi, doanh nghiệp có lãi”- ông Bình nói.
Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo Việt Nam chính là cánh đồng lớn tức sự liên kết của doanh nghiệp và nông dân, đôi bên cùng có lợi. Ảnh: QH
Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, thông tin Việt Nam là đối tác số 1 về gạo của Philippines. Gạo Việt Nam có chất lượng và giá cả phù hợp người dân nước này, từ người nghèo đến người có thu nhập cao.
Nhưng ông Thành lưu ý, đó là lợi thế của những năm trước đây. Hiện giờ giá gạo Việt Nam đang cao nên phải nhìn nhận lại tính cạnh tranh.
Dư địa thị trường Philippines còn lớn để gạo Việt Nam có thể khai thác tiếp. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có mối quan hệ lâu năm với đối tác nhập khẩu tại đây và còn gần về vị trí địa lý với Philippines. Do vậy, cần quy hoạch vùng sản xuất theo nhu cầu thị trường, liên kết vùng nguyên liệu. Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cần giữ thị trường Philippines bên cạnh việc mở rộng thị trường mới.
Sắp xếp lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo
Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho biết những vụ lộn xộn xảy ra hiện nay là do các doanh nghiệp, thương lái tranh mua, tranh bán. Để giải quyết bài toán này, doanh nghiệp nên ký hợp đồng 1 năm hoặc nhiều năm để có sự chuẩn bị.
Để tham gia đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, GS Võ Tòng Xuân góp ý, các tỉnh có thể khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân. Thành lập hoặc củng cố HTX, HTX được hướng dẫn trồng giống lúa nào, quy trình nào để nông dân làm theo.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp góp ý cho ngành lúa gạo Việt Nam tại toạ đàm. Ảnh: QH
“Do đó, gạo nguyên liệu của HTX này sản xuất theo quy trình sẽ giúp hạ giá thành nhưng chất lượng cao. Và khi Nhà nước có dòng vốn của Ngân hàng Thế giới cho vay sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp để cải tiến lại máy móc thiết bị của mình, làm sao chế biến ra gạo chất lượng tốt.
Khi đó, gạo có thương hiệu mà đồng thời truy được nguồn gốc dễ dàng. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải sắp xếp lại, tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo Việt Nam để tham gia vào mục tiêu 1 triệu ha”- GS Xuân chia sẻ.
Theo GS Xuân, đi đường dài, cũng không nhất thiết tất cả đều chạy theo sản xuất gạo ngon, vì vẫn có những thị trường cần gạo bột.
Thay vào đó, cần đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau để bán cho những người sản xuất bún, hủ tiếu… Cần sắp xếp trên thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước.
Như vậy mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình thì sẽ không còn cảnh tranh mua, tranh bán. Đây là con đường để gạo của Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững.
Xuất khẩu gạo Việt Nam cần giữ thị trường truyền thống bên cạnh mở rộng thị trường mới. Ảnh: QH
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cũng cho rằng cần liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu, đặt hàng cho các HTX để sản xuất theo yêu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp, có nhu cầu, cần kiểm tra, giám sát, cùng cơ quan chuyên môn có vùng nguyên liệu sạch, bền vững, bảo đảm xuất khẩu lâu bền.
“Giữa doanh nghiệp và người nông dân cần·có tiếng nói chung, để giữ uy tín với nhau chia sẻ lợi nhuận hợp lý, phát triển bền vững. Tránh trường hợp không thống nhất được, bỏ cọc, bể kèo”- ông Truyền nói.
Cần đưa thương lái vào chuỗi liên kết của doanh nghiệp gạo
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết dù Việt Nam xuất khẩu gạo 600 USD hay 1.000 USD/tấn là xuất khẩu gạo hay xuất khẩu tài nguyên, công sức của nông dân. Để có hạt gạo xuất khẩu không chỉ công sức của nông dân, doanh nghiệp mà cả tài nguyên, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi tại ĐBSCL.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (đứng) cho biết năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,3 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,8 tỉ USD, tăng 17% về khối lượng và tăng 38% về giá trị so với năm 2022. Ảnh: QH
“Về liên kết, tôi cho rằng thương lái có vai trò quan trọng, doanh nghiệp có thể đưa họ vào chuỗi liên kết. Về vùng nguyên liệu, doanh nghiệp có thể thuê đơn vị giám sát với chi phí hợp lý chứ không nhất thiết phải tự tổ chức bộ máy giám sát trực tiếp”- ông Tùng chia sẻ.
QUANG HUY