Tính đường dài cho lúa gạo

(daidoanket.vn) - Xuất khẩu lúa, gạo Việt Nam đã gặt hái thành công lớn trong năm 2023 và 2024 với nhiều con số kỷ lục nhưng bất ngờ đầu năm 2025 giá lúa giảm liên tiếp khiến nông dân lo lắng, bất an. Thực trạng này một lần nữa đặt vấn đề, rất cần có những giải pháp lâu dài để phát triển bền vững ngành lúa gạo…

Thu hoạch lúa Thu Đông ở Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam.

Còn khoảng nửa tháng là đến Tết Nguyên đán 2025 thế nhưng trái với không khí vui tươi bàn chuyện giá lúa cao, ăn Tết đủ đầy như 2 năm trước thì những ngày này, nhiều nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang đứng ngồi không yên trước cảnh giá lúa giảm mạnh.

Nông dân lo lắng vì giá lúa giảm sâu

Ông Dương Văn Siêu, nông dân ở xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: Các cánh đồng tại xã Đông Thuận dự kiến thu hoạch vào Rằm tháng Giêng nhưng thời điểm này hoàn toàn vắng bóng “cò lúa” đến thương thảo để đặt cọc thu mua như các năm trước. “Ở đây, hiện tại các “cò lúa”, thương lái chưa thấy đến đặt cọc. Tôi nghe nói giá thu mua lúa Đài Thơm 8 hiện chỉ còn có 6.000 - 6.200 đồng/kg. Nông dân liên hệ “cò” thì họ nói năm nay không đặt cọc trước, đến lúc thu hoạch thì sẽ xuống thu mua rồi trả tiền luôn. Họ nói các doanh nghiệp chưa biết tình hình giá cả sắp tới thế nào nên không cho đặt cọc” - ông Siêu thông tin.

Theo chia sẻ của ông Siêu, ước tính giá lúa hiện tại thấp hơn cùng kỳ năm 2024 khoảng 3.000 đồng/kg trong khi đó chi phí sản xuất cao hơn 20 - 30% do giá vật tư, phân bón, nhân công lao động tăng. “Bà con nói năm nay chắc kiếm mối đi Bình Dương làm. Do giá lúa giảm trong khi chi phí tăng cao quá, hộ dân nào mà thuê đất canh tác thì đang lên kế hoạch đi Bình Dương còn các hộ dân canh tác trên đất của mình thì đỡ hơn chút nhưng thấy giá lúa này là có nguy cơ không có Tết rồi…” - ông Siêu lo lắng.

Ông Dương Văn Siêu, nông dân xã Đông Thuận, Thới Lai, TP Cần Thơ lo lắng khi giá lúa liên tục giảm.

Giá lúa giảm sâu không chỉ gây bất ngờ và khó khăn cho nông dân mà còn khiến người thu mua lúa gặp khó. Một “cò” thu mua lúa ở Đồng Tháp cho biết đã phải thương lượng lại giá với các ruộng lúa Đông Xuân sớm ở huyện Cao Lãnh dù đã đặt cọc trước đó. Theo ghi nhận, tại Đồng Tháp có 2 huyện là Tháp Mười và Cao Lãnh đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân sớm. Nhiều nơi thương lái bỏ cọc do giá lúa giảm, các nông dân đành chấp nhận bán cho nơi khác với giá thấp. “Tôi nghe người thân của tôi ở huyện Cao Lãnh nói mấy hôm nay lúa ở đó đã chín nhưng thương lái bỏ cọc không mua nữa. Trước đó, thương lái đặt cọc chỉ có 3 triệu đồng/ha với giá thoả thuận là 7.000 đồng/kg. Hiện giờ giá lúa đã hạ xuống 6.500 đồng/kg nhưng thương lái họ cũng bỏ cọc, không thu mua. Lúa ở khu vực tôi canh tác thì ngay sau Tết sẽ thu hoạch, không biết tình hình giá cả ra sao nữa” - ông Nguyễn Văn Bé Hai (nông dân ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành) chia sẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia và các doanh nghiệp kinh doanh gạo, giá lúa gạo giảm đến từ nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính là do, Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại với nguồn cung dồi dào, giá rẻ, điều này đã tác động lớn đến thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. “Thứ nhất, việc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại với nguồn cung dồi dào nên làm cho các nhà nhập khẩu gạo cân nhắc. Thứ hai, Chính phủ Philippines đang kiểm soát giá gạo nhập về. Do đó, các thương nhân Philippines trước đây thường mua gạo Việt Nam thì nay họ đang đợi xem Philippines có chính sách gì mới không. Thứ ba, là trong thời gian dài, giá gạo của Việt Nam tương đối cao làm cho một số khách hàng của Việt Nam như là Trung Quốc, các quốc gia Châu Phi chuyển sang mua gạo một số quốc gia khác như là Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ…. từ đó giá gạo Việt Nam lao dốc khá nhanh” - ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) nhận định.

Cần các giải pháp kịp thời và dài hạn

Thời gian từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2025 là thời điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng lúa tươi được thu hoạch, và nguồn cung gạo ra thị trường theo đó cũng dồi dào hơn. Một số doanh nghiệp kinh doanh gạo cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có thể tăng cường dự trữ. “Một số doanh nghiệp hiện tại chưa có hợp đồng xuất khẩu nên còn chưa mạnh dạn thu mua. Qua Tết, nếu giá gạo vẫn thấp như hiện nay thì các nhà nhập khẩu cũng sẽ tìm đến Việt Nam mua. Bên cạnh đó, tồn kho của các doanh nghiệp trong nước hiện không còn nhiều nên tôi nghĩ qua Tết các doanh nghiệp cũng sẽ phải thu mua. Trước mắt, doanh nghiệp cần chủ động tài chính, khi giá lúa gạo thấp nên đưa vào tạm trữ. Trường hợp xấu hơn, nhà nước nên hỗ trợ về lãi suất để ngân hàng cung cấp vốn ưu đãi cho doanh nghiệp mua tạm trữ, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Khi giá gạo xuống thấp các doanh nghiệp cũng nên cẩn thận khi ký hợp đồng bán với giá thấp để tránh rủi ro khi giá gạo tăng trở lại” - ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV chia sẻ.

Thu hoạch lúa ở Đồng Tháp. Ảnh: tư liệu.

Nêu quan điểm của mình, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng giá lúa giảm vào thời điểm giáp Tết là hồi chuông cảnh tỉnh về tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong bối cảnh Việt Nam đã đạt kỷ lục về xuất gạo, cần có những chính sách đồng bộ để bảo vệ người trồng lúa. Giải quyết bài toán giá cả không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống ổn định cho hàng triệu nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. “Cần có các giải pháp kịp thời và dài hạn nhằm ổn định giá lúa, bảo đảm thu nhập cho nông dân. Trước tiên, cần đẩy mạnh thu mua để giúp giảm áp lực nguồn cung và góp phần ổn định giá lúa” - ông Hiệp nhấn mạnh đồng thời cho rằng, về lâu dài, cần tăng cường liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy mô hình hợp tác xã kiểu mới: nông dân - doanh nghiệp - nhà quản lý cùng tham gia chuỗi giá trị, như vậy sẽ giúp nông dân tiếp cận thị trường tốt hơn, giảm thiểu rủi ro về giá cả và tiêu thụ. Doanh nghiệp cần cam kết hợp đồng thu mua lúa gạo ngay từ đầu vụ để tránh tình trạng ép giá vào cuối vụ. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm và thị trường. Thay vì tập trung vào các loại gạo phổ thông, cần chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị cao như gạo hữu cơ, gạo thơm đặc sản. Mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Phi, châu Mỹ và châu Âu cũng là chiến lược cần thiết để giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Nói về giải pháp ổn định lâu dài cho ngành lúa gạo, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho rằng: Nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần liên kết để đi đường dài.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” chính là hướng đi bền vững. “Đề án 1 triệu héc ta cộng với việc bà con liên kết chặt với doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp chủ động vùng nguyên liệu, chủ động được chất lượng lúa hàng hoá để xây dựng thương hiệu. Đồng thời, nâng cao chất lượng gạo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch về truy xuất nguồn gốc, thể hiện trách nhiệm với môi trường... từ đó, có cơ hội mở rộng thị trường ở phân khúc cao. Bà con nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phải nhận thức đầy đủ và quyết tâm đồng hành thực hiện đó chính là giải pháp căn cơ” - ông Nghiêm nhấn mạnh.

tr6 (1)

Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ: “Các mô hình thí điểm trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 thì chi phí sản xuất thấp hơn cho nên khi giá lúa có giảm cũng bớt ảnh hưởng hơn so với bên ngoài mô hình. Doanh nghiệp liên kết cam kết mua cao hơn giá thị trường vài trăm đồng/kg. Những lúc biến động sẽ thúc đẩy các hộ dân, người trồng lúa, tổ hợp tác, hợp tác xã thấy được ý nghĩa lớn của liên kết chặt ngay từ đầu vụ”.

https://daidoanket.vn/tinh-duong-dai-cho-lua-gao-10298458.html

 

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi