Sợ thiếu hàng, lúa vừa xuống ruộng thương lái đã cọc sớm

ĐBSCL - Lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng do thời tiết xấu, thương lái tìm đến nông dân đặt cọc sớm dù lúa mới gieo sạ.

Lúa mới xuống ruộng đã đặt cọc

Nông dân tại các tỉnh thành miền Tây hiện đã bắt đầu xuống giống vụ lúa đông xuân. Theo ghi nhận, dù không diễn ra sôi động, tranh nguồn hàng như giai đoạn trước, song tình trạng cọc lúa sớm vẫn diễn ra.

Nông dân xuống giống vụ lúa đông xuân. Ảnh: Bích Ngọc.Nông dân miền Tây xuống giống vụ lúa đông xuân. Ảnh: Bích Ngọc.

Những ngày đầu vụ, khi lúa vẫn chưa cứng cáp, thương lái đã chủ động liên hệ với ông Đoàn Văn Bảnh (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) để cọc lúa sớm. Giống lúa OM 5451 được thương lái cọc sớm với giá 7.700 đồng/kg.

Theo ông Bảnh, tình trạng đặt cọc sớm vụ lúa này không sôi nổi, ngày tiếp 2-3 cò lúa như năm ngoái. Thương lái gọi điện thương lượng, dù cọc sớm giúp ông vơi nỗi lo đầu ra, song làn sóng bỏ cọc vừa qua khiến ông trăn trở nhiều.

"Nhận cọc sớm sợ tới thu hoạch lúa giảm rồi bị ép giá nên tôi chưa đồng ý sớm. Nếu thỏa thuận kí hợp đồng thu mua thì tôi sẽ suy nghĩ lại, tránh đến khi bị bỏ cọc lại không kịp trở tay", ông Bảnh nói.

Những ngày này, ông Bảy Thi - thương lái thu mua lúa tại tỉnh Hậu Giang - cũng đã liên hệ với một số nhà nông để tiến hành đặt cọc trước vì nỗi lo thiếu nguồn hàng.

"Vụ lúa đông xuân sau Tết thường bị thời tiết xấu, hạn mặn nên sản lượng lúa bị ảnh hưởng, rồi cạnh tranh thương lái nên mình mua ít. Định cọc trước để có nguồn hàng, nhưng giờ đặt cọc cũng không dễ nữa, đa số nông dân chờ đến ngày thu hoạch mới nhận", ông Thi nói.

Chủ động ứng phó thời tiết xấu

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ tháng 12.2024 đến 5.2025, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 0,2m. Trước tình hình trên, xâm nhập mặn năm 2024 - 2025 tại ĐBSCL dự báo sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Nhằm ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã chủ động chọn gieo sạ các giống lúa đạt chuẩn, giống lúa xác nhận để tăng cường khả năng chống chọi của cây lúa. Theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân 2024 - 2025, tỉnh Hậu Giang dự kiến xuống giống 73.500ha, ước sản lượng đạt khoảng 552.320 tấn.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết. Ảnh: Bích Ngọc.Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết. Ảnh: Bích Ngọc.

Hiện nông dân tỉnh Hậu Giang đã kết thúc đợt gieo sạ 1, xuống giống được hơn 15.000ha. Đây là khu vực có đê bao khép kín và hệ thống bơm thoát nước hoàn chỉnh, đảm bảo tránh được ảnh hưởng của triều cường vào các tháng cuối năm hoặc các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn. Đợt gieo sạ 2 và 3, sẽ thực hiện gieo sạ đối với trà lúa đông xuân chính vụ, vùng trũng thấp, nước lũ rút chậm hàng năm phải gieo sạ trễ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2024 - 2025, thành phố có kế hoạch gieo trồng 72.100ha. Dự kiến lịch thời vụ gieo sạ lúa đợt 1 từ ngày 3 - 9.11 và từ 25.11 - 1.12 sẽ tiến hành gieo sạ đợt 2. Nông dân trên địa bàn thành phố chủ động theo dõi thời tiết, khi nước lũ rút sẽ gieo sạ sớm để né hạn mặn năm sau.

Liên quan đến việc thương lái bỏ cọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam Trần Minh Hải cho rằng: Thương lái cần được có giấy chứng nhận hành nghề; được đăng ký hành nghề (để giúp phân biệt thương lái tốt và thương lái chưa tốt); khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ để trao đổi kinh nghiệm... Từ đó giảm tình trạng bẻ kèo, mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả…

https://laodong.vn/kinh-doanh/so-thieu-hang-lua-vua-xuong-ruong-thuong-lai-da-coc-som-1440088.ldo

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi