Giá trị sản xuất lúa cả năm 2024 của tỉnh Đồng Tháp ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2020, chiếm 32,15% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Năm tới, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đưa diện tích gieo trồng lúa là 495.500ha, năng suất đạt trên 3 triệu tấn. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)
Diện tích trồng lúa ở tỉnh Đồng Tháp năm 2024 khoảng 495.583ha, tăng 2,8% so với năm 2022 và sản lượng ước đạt hơn 3,3 triệu tấn.
Giá trị sản xuất lúa cả năm ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2020, chiếm 32,15% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết thành công ngành hàng lúa gạo năm 2024 đạt được là nhờ cơ cấu giống lúa tiếp tục có chiều hướng dịch chuyển từ nhóm giống lúa chất lượng trung bình, sang nhóm giống lúa chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Năm 2024, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao, thơm đặc sản chiếm 78,9%; trong đó có giống lúa chất lượng cao như OM18, Đài Thơm 8, OM5451, OM 380, OM4900.
Đồng thời, diện tích được chứng nhận VietGAP trên lúa là 4.256ha; chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất là 6.938ha; đã cấp 646 mã vùng trồng lúa với tổng diện tích 112.336ha. Diện tích sản xuất lúa theo định hướng hữu cơ đạt 599ha.
Lúa đạt được sản lượng cao cũng nhờ vào việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số áp dụng đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã về phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh. Qua đó, giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số đảm bảo điều kiện tích hợp được vào hệ thống dữ liệu của địa phương và Trung ương.
Vừa qua, tỉnh đã phối hợp với Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam hoàn thiện nền tảng nông nghiệp số VDAPES.
Ngoài ra, nông dân trong tỉnh còn áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất lúa tiên tiến, bền vững IPM, 3G3T, 1P5G, SRP; quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP và tương đương, canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất lúa hữu cơ... kết hợp truy xuất nguồn gốc, thu hoạch đúng thời điểm; sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân bón sinh học, cho sản xuất lúa.
Thành quả sản xuất lúa đạt được là nhờ cơ cấu thời vụ sản xuất lúa ở Đồng Tháp xây dựng được lịch thời vụ xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, né hạn thông qua kế hoạch sản xuất hàng năm, hằng vụ.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt khâu dự tính, dự báo về tình hình sâu bệnh và kịp thời đưa ra khuyến cáo phòng trừ hiệu quả - ông Minh chia sẻ.
Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa trong dân cũng góp phần vào thắng lợi sản xuất lúa trong năm 2024. Vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu năm 2024 Đồng Tháp liên kết tiêu thụ gần 100.000ha lúa.
Kết quả liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.
Đa số các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với 49 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Chơn Chính, Tập Đoàn Lộc Trời, Công ty Lộc Ngọc, Công ty Giống cây trồng Miền Nam, Công ty Ngọc Lợi, Công ty Phát Đạt, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thiên Ý Rice...
Bình quân liên kết sản xuất lúa giống được doanh nghiệp mua với giá cao hơn với giá lúa thường từ 500-800 đồng/kg.
Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa trong dân góp phần vào thắng lợi sản xuất lúa tại Đồng Tháp trong năm nay. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Hiện Đồng Tháp có một số mô hình trồng lúa nổi bật. Điển hình như mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP được thực hiện tại Hợp tác xã Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông với quy mô 81,5ha/28 hộ cho lợi nhuận bình quân cao hơn 3.635.000 đồng/ha/vụ so với sản xuất theo tập quán.
Mô hình còn giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tạo cơ hội cho lao động nông thôn tiếp cận thêm nghề mới như sản xuất nấm rơm ngoài trời, ủ phân hữu cơ truyền thống để tăng thêm thu nhập; tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn và chất lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 20-30% so với sản xuất lúa thương phẩm. Công ty tổ chức thu mua 100% sản lượng lúa giống đạt tiêu chuẩn cấp nguyên chủng và cấp xác nhận với giá cao hơn từ 1.000-1.300 đồng/kg so với thị trường.
Đồng Tháp có mô hình “Cánh đồng liên kết sản xuất lúa an toàn theo chuỗi giá trị,” Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hồng Ngự phối hợp với Ủy ban Nhân dân hai xã Thường Phước 1 và Thường Lạc triển khai mô hình trong vụ Hè Thu năm 2024 với diện tích 400ha và hơn 200 hộ nông dân tham gia.
Với mô hình “Cánh đồng liên kết sản xuất lúa an toàn theo chuỗi giá trị,” nông dân tham gia được hỗ trợ chi phí 50% lượng lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật. Qua liên kết sản xuất lúa, nông dân bán với giá cao hơn 200 đồng/kg.
Năm 2025 tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu đưa diện tích gieo trồng lúa là 495.500ha, năng suất đạt trên 3 triệu tấn. Đưa diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp là 50.000ha. Đưa diện tích sản xuất lúa hữu cơ đạt 605ha. Có trên 42.000ha lúa được cấp mã số vùng trồng.
Phát triển vùng sản xuất lúa tập trung theo hướng ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ thông minh gắn truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị trên cây lúa./.
(TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/san-luong-lua-o-tinh-dong-thap-uoc-dat-hon-33-trieu-tan-trong-nam-2024-post988142.vnp