Khẩn trương xuống giống vụ đông xuân 2020-2021

(baoangiang.com.vn) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình trước tình hình nước lũ xuống nhanh, giá lúa đang thuận lợi. Trong tổ chức xuống giống vụ đông xuân 2020-2021, cần chú ý khung lịch xuống giống né khô hạn, chia sẻ nguồn nước và lịch xuống giống tập trung né rầy nhằm đảm bảo thêm vụ mùa thắng lợi.

 

Tập trung bảo vệ vụ đông xuân

Đảm bảo khung lịch thời vụ

Văn phòng UBND tỉnh vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương xuống giống vụ đông xuân 2020-2021 khi nước lũ xuống nhanh. Đồng thời, chủ trì và phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là bệnh dịch tả heo Châu Phi, đảm bảo nguồn thịt sạch trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân trong toàn tỉnh An Giang từ ngày 1-11 đến 31-12-2020 (nhằm ngày 16-9 đến 18-11 âm lịch).

Cụ thể, lịch xuống giống né khô hạn và chia sẻ nguồn nước được chia làm 3 đợt. Trong đó, đợt 1 đã xuống giống từ ngày 1-11 đến 15-11 (16-9 đến 1-10 âm lịch), diện tích khoảng 70.000ha, tập trung ở tiểu vùng sản xuất 2 vụ tại các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, An Phú và các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ thu đông tại huyện Phú Tân, nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh dưới hạ nguồn và né hạn, mặn cuối vụ.

Đợt 2 xuống giống từ ngày 16-11 đến 15-12 (2-10 đến 2-11 âm lịch), diện tích khoảng 120.000ha, xuống giống vụ đông xuân đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, tập trung tại tất cả các huyện.

Đợt 3 xuống giống từ ngày 16-12 đến 31-12 (3-11 đến 18-11 âm lịch), xuống giống khoảng 40.000ha tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ thu đông 2021 và một số tiểu vùng xuống giống đông xuân 2020-2021 muộn, rải rác tại các huyện: Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên, TX. Tân Châu.

Trên cơ sở theo dõi diễn biến rầy nâu vào đèn trong và ngoài tỉnh, tình hình thu hoạch lúa thu đông 2020, Sở NN&PTNT xây dựng lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 đã tổ chức xuống giống từ ngày 7-11 đến 15-11 (22-9 đến 1-10 âm lịch) với diện tích khoảng 50.000ha. Đợt 2 xuống giống tập trung từ ngày 5-12 đến 15-12 (21-10 đến 2-11 âm lịch) với diện tích khoảng 100.000ha.

Như vậy, tổng diện tích né rầy trong vụ đông xuân 2020-2021 đạt 65,22% diện tích kế hoạch xuống giống. Các diện tích còn lại xuống giống ngoài khung lịch né rầy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) xây dựng kế hoạch riêng và phối hợp địa phương, cơ quan có liên quan để bảo vệ tốt diện tích này.

Tập trung bảo vệ sản xuất

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Nguyễn Văn Hiền cho biết, tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý, trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau.

Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 theo kế hoạch chung của tỉnh và kế hoạch phòng, chống hạn mặn, thiếu nước tưới trong mùa khô phù hợp với điều kiện từng địa phương…

Trong đó, tập trung khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống, đặc biệt là những vùng không sản xuất vụ thu đông (do nước nhỏ, còn nhiều lúa cỏ, cỏ dại...); vận động nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Theo ông Hiền, năm nay, do điều kiện lũ nhỏ, các tiểu vùng xuống giống trước khung lịch thời vụ cần theo dõi, quản lý dịch hại chặt chẽ. Đối với tiểu vùng trũng, nước rút muộn cần chủ động bơm rút nước ra để xuống giống đông xuân 2020-2021 đúng lịch thời vụ chung của tỉnh.

Về biện pháp canh tác, cần tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” (chú ý lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha), tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP... Trong đó, chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm, ứng dụng công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng) để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ...

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; khuyến cáo nông dân tăng cường các biện pháp như bổ sung vi lượng, phân bón có chứa canxi, silic… nhằm giúp cây lúa khỏe, cứng cây, tăng tính chống chịu tự nhiên.

Sau khi xuống giống, cán bộ kỹ thuật cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt nhất.

 
Trò chuyện với chúng tôi