(danviet.vn) - Sáng 4/11, Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III - năm 2022 chính thức diễn ra tại TP.HCM. Cuộc thi do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) và Báo Nông thôn Ngày nay đồng tổ chức.
Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III - năm 2022 sẽ tìm kiếm, tuyển chọn những giống gạo của Việt Nam có phẩm chất nổi bật về hình thức, chất lượng, đáp ứng các tiêu chí chuyên môn và thị hiếu của thị trường, phù hợp cho tiêu thụ nội địa và hướng đến xuất khẩu.
Cuộc thi nhằm tôn vinh sản phẩm gạo Việt Nam và thúc đẩy quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Các đơn vị dự thi giới thiệu gạo ngon với các đơn vị khác, ban tổ chức và các đầu bếp giám khảo Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III, sáng 4/11. Ảnh: Hồng Phúc.
Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III - năm 2022 quy tụ 6 doanh nghiệp tham gia, là những doanh nghiệp lớn trong chọn tạo, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam: Công ty Tập đoàn Thái Bình Seed, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Thương mại HK (Tiền Giang), DNTN Hồ Quang Trí, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam và Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long.
Các đơn vị tham gia cuộc thi đã bày trí sản phẩm, giống gạo tham gia dự thi, giới thiệu với các đội còn lại và Ban tổ chức.
DNTN Hồ Quang Trí tham gia Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ III với 2 giống gạo ST24 và ST25. Ảnh: Hồng Phúc.
Khu vực trưng bày gạo của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Hồng Phúc.
Sản phẩm gạo dự thi năm nay gồm 2 chủng loại là gạo thơm các loại và gạo nếp. Ban tổ chức quy định: Giống sản xuất phải được chọn tạo tại Việt Nam, đã được lưu hành hoặc đã được gửi đi khảo nghiệm quốc gia tối thiểu 1 vụ tại 1 trong 4 trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng trên phạm vi cả nước. Về hình thức, sản phẩm dự thi phải có độ thuần tối thiểu 98%, không hạt vàng, hạt hư, hạt xanh non và sọc đỏ.
Theo Ban tổ chức, 3 tiêu chí để xác định loại gạo/nếp ngon nhất là đánh giá mẫu trước khi nấu, sau khi nấu và thuyết minh đặc tính của gạo/nếp. Yêu cầu gạo trước khi nấu phải có độ đồng đều, màu sắc; gạo sau khi nấu thành cơm phải có độ trắng, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt, độ thuần và giữ nguyên hạt. Trên thang điểm 100, mẫu gạo sau khi nấu chiếm đến 75 điểm.
Thái Bình Seed tham gia tranh tài với 2 loại gạo thơm và 1 loại nếp. Ảnh: Hồng Phúc.
Giống OM8 của Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Hồng Phúc.
Gian trưng bày, giới thiệu của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Hồng Phúc.
Căn cứ trên kết quả cuộc thi, sản phẩm gạo thơm đạt giải sẽ được Ban tổ chức cử làm đại diện Việt Nam tham gia Cuộc thi Gạo ngon thế giới năm 2022 (World's Best Rice 2022) trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới 2022 sắp tới.
Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ II diễn ra năm 2020. Gạo ST25 của DNTN Hồ Quang Trí đạt giải Nhất trong nước và giành giải Nhì tại cuộc thi Gạo ngon thế giới diễn ra tại Mỹ (giải Nhất thuộc về Thái Lan, giải Ba thuộc về Campuchia).