Bầu cử Mỹ tác động thế nào đến các điểm nóng thế giới?

(PLO) - Một trong những mối quan tâm lớn của những người theo dõi cuộc bầu cử Mỹ là liệu kết quả cuộc bầu cử sẽ tác động thế nào đến các điểm nóng hiện tại trên thế giới?

Là một siêu cường hàng đầu thế giới, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến tình hình bên trong nước Mỹ mà còn định hình các vấn đề toàn cầu.

Sự thay đổi chính quyền tại Washington có thể tác động lớn đến cách tiếp cận của Mỹ đối với các “điểm nóng” như cuộc chiến Nga-Ukraine, căng thẳng Trung Đông, bán đảo Triều Tiên… dẫn đến những thay đổi đáng kể trên chính trường thế giới.

Xung đột Nga-Ukraine

Với tư cách là nhà tài trợ hàng đầu cho Ukraine, kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới gần như chắc chắn sẽ tác động đáng kể và có khả năng quyết định đến quỹ đạo cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo tạp chí Council on Foreign Policy, đến nay, hai ứng viên tổng thống Mỹ đã thể hiện quan điểm trái ngược nhau về việc viện trợ quân sự cho Kiev cũng như về vấn đề an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã ám chỉ rộng rãi rằng bà sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, cụ thể là giúp Ukraine khôi phục chủ quyền, đồng thời giảm nguy cơ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bị lôi kéo phải tham gia trực tiếp vào cuộc chiến với Nga.

Nữ phó tổng thống đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần. Trong mỗi cuộc gặp, bà Harris đều nhắc lại sự ủng hộ nhiệt thành của Washington đối với Kiev và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ukraine chiến thắng.

tac-dong-cua-bau-cu-my-den-cac-diem-nong-cua-the-gioi (3).jpgPhó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình tại Ukraine ở Thụy Sĩ hôm 15-6. Ảnh: REUTERS

Trong cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald Trump hôm 10-9, bà Harris cũng khẳng định niềm tin của bà với NATO và bảo vệ khả năng Ukraine giành chiến thắng. “Những gì chúng tôi [NATO] đã làm là để bảo vệ khả năng của ông Zelensky và người dân Ukraine trong cuộc đấu tranh giành độc lập” - bà Harris nói.

Ngược lại, ông Trump tỏ ra mơ hồ về mức độ hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine nếu ông tái đắc cử. Cựu tổng thống cũng hai lần công khai từ chối cam kết ủng hộ chiến thắng của Ukraine trước Nga.

Trả lời phỏng vấn đài CNN vào tháng 5-2023, ông Trump nói rằng ông không “nghĩ theo hướng thắng và thua” mà nghĩ đến việc “giải quyết” chiến sự để chấm dứt đổ máu và tránh leo thang hơn nữa. Ông Trump đã lặp lại quan điểm này nhiều lần sau đó.

Từ thái độ của các ứng viên, PGS Shawn Donahue tại ĐH Buffalo (Mỹ) cho rằng nếu bà Harris đắc cử bà sẽ tiếp tục duy trì nguyên trạng sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine, thậm chí tiến xa hơn trong việc cấp phép cho Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Trường hợp ông Trump thắng cử, với cam kết “giải quyết cuộc chiến trong 24 giờ”, ông Trump có thể buộc Ukraine chấp nhận đóng băng cuộc chiến, ngồi vào bàn đàm phán với các điều kiện bất lợi cho Kiev, theo ông Donahue.

Tình hình Trung Đông

Trước ngày 7-10-2023, chẳng ai có thể nghĩ rằng bầu cử Mỹ và tình hình Trung Đông lại có thể có mối liên hệ phức tạp như hiện nay.

Theo tờ The New Arab, bất kể bà Harris hay ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tuần tới, vị tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng đang hoành hành ở Trung Đông, từ Gaza, Lebanon đến căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran.

Tác động của bầu cử Mỹ đến các ‘điểm nóng’ của thế giớiPhó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: ABC NEWS

“Sẽ không có bất kỳ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán ở Dải Gaza cho đến khi [Thủ tướng Netanyahu] thấy ai sẽ ở Nhà Trắng” - một người hiểu rõ giới lãnh đạo cấp cao Israel nói với tờ The Washington Post với điều kiện giấu tên.

Người này nói rằng các nhà lãnh đạo cấp cao của Israel không nhất trí về việc ứng viên nào sẽ tốt hơn cho Israel khi Tel Aviv thực hiện cuộc chiến trên nhiều mặt trận.

Trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu đầu tháng này, cựu tổng thống Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc chiến của Israel ở Lebanon và Gaza, nói với ông Netanyahu rằng “hãy làm những gì ông phải làm”.

Người Israel thường nhớ về ông Trump như vị tổng thống đã đưa ra một loạt các ưu tiên cánh hữu, bao gồm công nhận việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan, chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem và tuyên bố rằng Washington không còn coi các khu định cư ở Bờ Tây là bất hợp pháp.

Trong khi đó, bà Harris chỉ trích hành vi của Israel về cuộc chiến ở Gaza nhiều hơn và bày tỏ sự thông cảm hơn với người Palestine.

Ông Brian Katulis - thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông (Mỹ) - cho rằng chính quyền bà Harris có thể có “một chút” tiềm năng kiềm chế Israel. “Chính quyền ông Trump có thể sẽ thúc đẩy những nỗ lực của Israel để tiến lên mạnh mẽ hơn mà không có bất kỳ sự kiềm chế nào” - theo chuyên gia này.

Tại Iran và thế giới Ả Rập, các chính phủ hy vọng người kế nhiệm Tổng thống Biden sẽ có những bước đi nhằm hạ nhiệt xung đột khu vực và kiềm chế Israel.

Theo TS Mehran Haghirian của Viện nghiên cứu Bourse & Bazaar Foundation (Anh), một bộ phận nhất định ở Iran mong bà Harris chiến thắng hơn vì nhiệm kỳ tổng thống của bà có thể là sự liên tục chính sách đối ngoại của ông Biden, tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại giữa Mỹ và Iran.

Dù bà Harris gần đây đã gọi Iran là kẻ thù lớn nhất của Mỹ nhưng giới lãnh đạo Iran vẫn chưa quên quan hệ Washington-Tehran xuống thấp thế nào dưới thời ông Trump. Vào tháng 5-2018, ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, sau đó áp đặt “áp lực tối đa” lên Tehran. Sau khi rời Nhà Trắng, ông Trump thường xuyên chỉ trích chính quyền Biden-Harris vì đã mềm mỏng với Iran.

Bán đảo Triều Tiên

Căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã leo thang đáng kể thời gian gần đây, đỉnh điểm là việc Bình Nhưỡng phá hủy các tuyến đường liên Triều và sửa đổi hiến pháp để chỉ định Hàn Quốc là một “quốc gia thù địch”.

Quan hệ hai nước cũng xấu đi sau khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên gửi quân đến Nga và cho biết sẽ cân nhắc gửi vũ khí cho Ukraine nhằm phản ứng với việc này.

Khó có thể dự đoán tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ thế nào khi nước Mỹ có tân tổng thống. Tuy nhiên, theo tờ Asia Times, xét đến vai trò quan trọng của khu vực Đông Bắc Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính sách của Mỹ ở khu vực sẽ không thay đổi dù ông Trump hay bà Harris lên nắm quyền.

Cả quan điểm của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì sự hiện diện quân sự và ngoại giao mạnh mẽ của Mỹ tại Hàn Quốc, coi đó là điều cần thiết để duy trì hòa bình khu vực.

Tương tự, cả bà Harris và Trump đều nhận ra tầm quan trọng cốt lõi của việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách tiếp cận của bà Harris và ông Trump với bán đảo Triều Tiên sẽ có những khác biệt.

tac-dong-cua-bau-cu-my-den-cac-diem-nong-cua-the-gioi (1).jpgLãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và ông Donald Trump tại khu phi quân sự liên Triều năm 2019. Ảnh: AFP

Bà Harris được cho là sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại đặc trưng của đảng Dân chủ là chủ nghĩa đa phương, ngoại giao và xây dựng liên minh, củng cố liên minh Mỹ-Hàn Quốc. Trong khi đó, ông Trump được dự đoán sẽ có cách tiếp cận phi truyền thống như ông đã làm trong nhiệm kỳ trước đây, bao gồm việc tổ chức các cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Triều Tiên lập kỷ lục phóng tên lửa đạn đạo trước thềm bầu cử Mỹ

Ngày 31-10, Triều Tiên tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và cho biết vụ phóng xác lập các kỷ lục mới về năng lực tên lửa của nước này, theo hãng thông tấn KCNA.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau đó nói rằng cuộc thử nghiệm là lời cảnh báo tới những “kẻ thù đang đe dọa an ninh” Triều Tiên.

“Vụ thử tên lửa là hành động quân sự phù hợp, hoàn toàn đáp ứng mục đích thông báo cho các đối thủ, những kẻ cố tình leo thang tình hình khu vực và gây ra mối đe dọa đến an ninh của đất nước chúng ta” - KCNA dẫn lời ông Kim.

Mỹ, Hàn Quốc, Nhật đã lên án động thái trên.

 

THẢO VY

https://plo.vn/bau-cu-my-tac-dong-the-nao-den-cac-diem-nong-the-gioi-post817668.html

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi