Xuất khẩu gạo năm 2023 tự tin cán mốc 4 tỷ USD

(Kinhtedothi.vn) - Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,6 - 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD.

Nhu cầu dự trữ lương thực của thế giới tăng mạnh, DN cầm chắc đơn hàng cả năm với mức giá cao đang là lợi thế giúp mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.

Nhiều triển vọng tích cực

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đánh giá, năm 2023 cùng với nền tảng là giá tốt thì xuất khẩu gạo Việt Nam đang có nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh. Nhất là khi những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết khiến các quốc gia tăng nhu cầu dự trữ lương thực.


Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước đạt trên 13 triệu tấn, tương đương 6,6 - 7 triệu tấn gạo. Cơ cấu nhóm gạo xuất khẩu gồm: gạo chất lượng cao đạt 3 triệu tấn; gạo thơm, đặc sản đạt hơn 2 triệu tấn; số còn lại thuộc nhóm gạo chất lượng trung bình và nếp. 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 789.000 tấn và 417 triệu USD, giảm 18,8% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 đạt 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, Trung Quốc đã mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho những DN xuất khẩu gạo. Dự báo năm 2023, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có thể đạt 1 triệu tấn.

Đối với thị trường Bangladesh, quốc gia này đã đồng ý gia hạn biên bản ghi nhớ về thương mại gạo với Việt Nam thêm 5 năm. Động thái này sẽ tạo thêm cơ hội để gạo Việt thâm nhập thị trường Bangladesh ổn định trong thời gian tới.

Riêng thị trường Philippines là quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, mới đây Chính phủ nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35%. Việc duy trì chính sách giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2023 cũng như đảm bảo tính ổn định của thị trường.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam, triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn "rộng cửa" trong dài hạn, trong đó phải kể đến chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

Mặt khác, một nước xuất khẩu quan trọng là Pakistan cũng vừa trải qua trận lũ lịch sử làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung.

Đáng chú ý, những thị trường khó tính như: Châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho DN Việt gia tăng xuất khẩu khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.

An Giang thu hoạch lúa. Ảnh: Chiến Công

An Giang thu hoạch lúa. Ảnh: Chiến Công

 

Trên cơ sở này, hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của các DN trong nước sẽ diễn ra thuận lợi, doanh thu tăng khoảng 30% so với năm 2022.

Lạc quan về dư địa tăng trưởng xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, mỗi năm Việt Nam sản xuất từ 22 - 23 triệu tấn gạo, trong đó xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%.

Vì vậy, dư địa để gia tăng sản lượng xuất khẩu là khá lớn. Đặc biệt, với việc sản xuất hơn 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao đang mở ra cơ hội để ngành hàng này phát triển và vươn xa.

Thực tế đã chứng minh, trong năm 2022 với muôn vàn khó khăn, ngành lúa gạo vẫn luôn giữ được đà tăng trưởng tốt. Đặc biệt, xuất khẩu gạo đang tăng cả về giá và số lượng, thậm chí có những thời điểm, gạo của Việt Nam có giá trị cao hàng đầu thế giới. Kết quả này đã thể hiện hướng đi đúng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao của ngành nông nghiệp.
Năm 2023, Bộ Công Thương cũng dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN xuất khẩu gạo cần tiếp tục đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân, không để lúa gạo tắc đầu ra sau thu hoạch.

Đặc biệt, DN cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.

Nắm bắt cơ hội, bám sát thị trường

Dù có nhiều tín hiệu lạc quan, song các chuyên gia, nhà quản lý cũng nhận định thị trường vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao. Trong khi đó, tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới vẫn đang và sẽ tác động đến giá nhiều mặt hàng lương thực khác.

Để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo sát tình hình thị trường; đồng thời chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại và thông báo các diễn biến kịp thời về tình hình thị trường cho hiệp hội ngành hàng và các DN xuất khẩu.

Về phía Bộ NN&PTNT, để đón đầu các cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, trước đó, Bộ đã chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất lúa, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện canh tác lúa ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp.

Trước những dự báo được chuyên gia, nhà quản lý đưa ra, DN xuất khẩu gạo đã nhìn nhận thấu đáo về vấn đề khai thác thị trường. Theo đó, các DN đều hoạch định chiến lược cụ thể cho từng thị trường nhằm tận dụng lợi thế của những Hiệp định thương mại tự do đã thực thi, đồng thời từng bước nâng cao giá trị, vị thế của ngành gạo trên thị trường quốc tế.

Quan tâm tới thị trường EU, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật (TP Cần Thơ) Hoàng Minh Nhựt chia sẻ, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt.

Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Do đó, 3 năm qua, công ty đã không ngừng gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế từ hiệp định này.

Còn theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận, mặc dù châu Á, châu Phi là những thị trường truyền thống, DN đã am hiểu song muốn đi đường dài phải có chiến lược cụ thể cho từng thị trường.

Bên cạnh đó, DN rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, tham tán thương mại về công tác xúc tiến thương mại ở cả thị trường quen thuộc cũng như thị trường mới.
Trăn trở về vấn đề nguồn vốn, ông Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, mặc dù thuận lợi về mặt thị trường, song hiện nay các DN ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt trong thời điểm vào mùa thu hoạch lúa.

Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Nếu DN được tiếp cận nguồn vốn dồi dào, tăng cường việc thu mua, tạm trữ sẽ giúp đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Đây cũng là vụ mùa cho sản lượng lúa chất lượng tốt nhất để các DN chế biến và gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ DN khơi thông nguồn vốn.

Xu hướng giảm về sản lượng, tăng về chất lượng tiếp tục sẽ là xu hướng chủ đạo trong năm 2023 và nhiều năm sau của ngành nông nghiệp. Điều này lý giải một phần vì sao giá gạo Việt Nam luôn neo ở mức cao trong thời gian gần đây. Đặc biệt, giá một số loại gạo có thương hiệu nổi tiếng như ST24, ST25 đã tăng đột biến lên trên 1.200 USD/tấn.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam

 

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi