(tienphong.vn) - GS.Võ Tòng Xuân đã dành cả cuộc đời cho cây lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng quốc tế Vinfuture vào cuối năm 2023 vừa qua - giải thưởng khoa học và công nghệ giá trị nhất hành tinh với sứ mệnh phụng sự nhân loại. Ông đã trải lòng cùng Tiền Phong về quá trình phát triển lúa gạo cũng như những trăn trở về tương lai đất nước.
Trong khuôn viên Trường đại học Nam Cần Thơ nơi giáo sư đang làm việc, ông bắt đầu câu chuyện: Sáng kiến của tôi đến từ lúc đất nước rất cần. Hồi mới thống nhất, cả nước thiếu gạo ăn trầm trọng bởi ảnh hưởng của chiến tranh trước đó. Năm 1976, khi tôi là giảng viên của Trường đại học Cần Thơ, nhận tin báo ở Tân Châu (An Giang) rầy nâu đang đốt rụi hết lúa. Tôi cùng mấy đồng nghiệp đi đến đó và các tỉnh, thấy lúa bị rầy nâu đốt cháy sạch. Tôi nghĩ, mình là trường nông nghiệp duy nhất ở miền Tây, phải có bổn phận gánh việc này, tức là làm sao để có giống lúa chất lượng cao và kháng được rầy.
Cuộc cách mạng giống lúa
Từ đâu và lý do nào giáo sư lại gắn bó cả cuộc đời với cây lúa?
Tôi tốt nghiệp tú tài kỹ thuật năm 1961 nhưng lại được học bổng sang Philippines học về nông nghiệp. Thực ra, lúc đó tôi chỉ thích kỹ thuật, máy móc, nhưng vì mình không có tiền mà lại muốn đi học nên đã ứng tuyển và nhận được học bổng học về nông nghiệp. Qua đó, tôi chọn ngành nông hóa và theo chương trình mía đường. Học xong kỹ sư, tôi tiếp tục học thạc sĩ.
Năm 1969 Viện lúa Quốc tế mới thành lập tại Philippines và đã cho ra giống lúa ngắn ngày, năng suất cao có thể thay thế giống lúa mùa mà toàn thể nông dân lúc bấy giờ đang trồng. Một số công chức khuyến nông Nam Việt Nam được Viện lúa Quốc tế tài trợ qua để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng lúa ngắn ngày. Gặp tôi, họ nói miền Nam đang thiếu gạo ăn nên động viên tôi học về lúa để về nước làm việc.
GS. Võ Tòng Xuân và nhóm tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ảnh chụp năm 1982) |
Năm 1971, ở đồng bằng sông Cửu Long mở trường về nông nghiệp (Trường đại học Cần Thơ bây giờ) và họ mời tôi về. Tôi về nước và bắt tay vào công việc ngay, sau đó làm tiếp nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nhật Bản và về nước đúng 28 ngày sau thì giải phóng miền Nam.
Cơ duyên nào để giáo sư cùng với nhà khoa học gốc Ấn – GS.Gurdev Singh Khush đưa các giống lúa kháng rầy, chất lượng cao về phát triển ở Việt Nam?
Ông Gurdev Singh Khush làm việc cho Viện lúa Quốc tế, và nhiệm vụ chủ yếu là tạo ra các giống mới để cung cấp cho các nước xung quanh. Chúng tôi quen biết nhau từ khi tôi còn làm ở viện lúa này. Như đã nói, khi chứng kiến cảnh lúa bị rầy nâu, loại rầy mới ăn ráo trọi lúa, tôi liên hệ với ông Gurdev Singh Khush xin mấy giống lúa lai tạo. Để có giống rặt (giống hoàn thiện - PV) phải tuần tự chọn lọc từ F1 cho đến ít nhất là F7, và như thế thì không có thời gian chờ đợi nên tôi xin loại từ F4, F5. Khoảng hai tuần sau, Viện lúa Quốc tế gửi về cho tôi 4 giống lúa IE32, IE34, IE36, IE38, đựng trong 4 bao thư, mỗi bao 5gr hạt giống. Tôi và anh Nguyễn Văn Huỳnh, chuyên gia về côn trùng cho trồng thử và thả loại rầy đã thiêu rụi lúa ở Tân Châu vào. Kết quả, 4 giống này đều kháng rầy, riêng giống IE36 nổi trội nhất nên tôi nhân giống này ra. Từ khoảng 200 hạt lúa ban đầu, sau hai năm nhân giống, tôi thu được khoảng 2.500kg.
Xong, tôi đề nghị với ông Bảy Khai (ông Phạm Sơn Khai - Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ lúc bấy giờ) đóng cửa trường, đưa toàn bộ khoảng 2.000 sinh viên thuộc tất cả các ngành đi thực tế ở các địa phương để học 3 bài học, một là cách chọn đất để gieo mạ; hai là cách chọn đất để cấy cho kết quả cao nhất và ba là cách cấy lúa 1 rãnh 1 bụi. Sinh viên ở tỉnh nào về tỉnh đó cộng tác với bà con nông dân. Hai tuần sau lúa lên tốt và hai tháng sau giao ruộng lại cho địa phương và nông dân rồi sinh viên quay về trường học trở lại. Chỉ sau 2 vụ lúa, nông dân hoàn toàn chiến thắng được rầy nâu. Đó là năm 1979.
Đó có được xem là cuộc cách mạng về giống lúa trên đồng ruộng không, thưa giáo sư?
Đó là cuộc cách mạng, rất đáng kể. Nó cho thấy, không phải bê nguyên xi khoa học kỹ thuật mới từ nước ngoài đưa vào đồng ruộng là xong, mà phải cải tiến cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của mình.
GS. Võ Tòng Xuân (giữa) nghiên cứu cây lúa trên đồng ruộng |
Gia tăng lợi tức của nông dân
Chính phủ từng có chủ trương liên kết bốn nhà, gồm nhà nông-nhà doanh nghiệp - nhà khoa học- nhà nước. Tuy nhiên, sự kết hợp chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Với Chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao, sự liên kết có gì khác so với trước đây để tạo ra hiệu quả tốt nhất có thể, thưa giáo sư?
Nguyên nhân bắt nguồn từ chính quyền tại địa phương, đã thả lỏng cho ông nông dân và doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Không thể như vậy được. Chính quyền phải lo cho nông dân để họ trở thành nông dân đổi mới, chịu dồn điền đổi thửa, chịu học thật chín kỹ thuật mới để sản xuất ra nguyên liệu đồng nhất và là người cầm chịch quản lý hợp đồng của nhóm hợp tác xã để làm chuỗi cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Kế đến, với số tiền cho vay của Ngân hàng Thế giới, phải dành cho doanh nghiệp để cải tiến máy móc thiết bị, dùng nguyên liệu tốt để sản xuất ra loại gạo có thương hiệu nổi tiếng, đạt chất lượng; tìm kiếm thị trường, đầu tư xây dựng đồng ruộng với nông dân và có tiền để ứng trước cho nông dân mua phân bón, hạt giống. Nếu làm chặt chẽ thì sẽ không có chuyện trở lại như cũ.
GS. Võ Tòng Xuân nhận giải thưởng Vinfuture năm 2023 |
Giáo sư có hiến kế hay góp ý, kiến nghị gì để việc thực hiện Chương trình một triệu ha lúa chất lượng cao có hiệu quả tốt nhất?
Theo tôi, nên tổ chức theo kiểu mình sắp xếp lại trật tự, quy định, cơ chế để chuỗi giá trị của hạt gạo từ hạt lúa, sản xuất, chế biến ra bàn ăn được gắn chặt nhau trở thành chuỗi liên kết chặt chẽ. Không nên để như lúc trước, mặc ai “bẻ kèo” thì bẻ, nhà nước làm thinh. Tới đây, giá gạo bán ra cũng cần có giá sàn, không thả nổi như hiện nay. Thả nổi như hiện nay, mấy ông doanh nghiệp than vì đua nhau giảm giá để giành mối, trong khi thương lái ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân trước với giá rất cao rồi bán lại gạo cho doanh nghiệp nên khi doanh nghiệp bán ra sẽ bị lỗ, vì không có vùng nguyên liệu.
Điều gì khiến giáo sư trăn trở nhất hiện nay?
Trăn trở nhất của tôi là làm sao tăng lợi tức của bà con nông dân trồng lúa. Trăn trở này có từ lâu nhưng đến giờ cũng chưa thỏa mãn được bởi thị trường gạo vẫn đang trong tình trạng bát nháo. Hy vọng với Chương trình một triệu ha lúa, với ngón bài cuối cùng là xếp lại thành chuỗi, gắn kết nhịp nhàng để nông dân làm chủ ruộng đồng, làm chủ tư liệu sản xuất.
“Tôi nói với những người đi điều tra để đề xuất trao giải thưởng Vinfuture rằng, không đơn giản là một giống mới, mà giống lúa phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Quan trọng hơn là thuyết phục được các nhà chính trị và cả nông dân cùng áp dụng. Phải vượt qua tất cả các rào cản đó để có cái khoán 100, khoán 10...”.
GS.Võ Tòng Xuân
Giáo sư có những gửi gắm hay kỳ vọng gì cho năm 2024 và những năm tiếp theo?
Có những điều không nên để cho thị trường tự quyết mà Nhà nước phải quyết định và có định hướng, hướng dẫn cụ thể, như về lĩnh vực nông nghiệp chẳng hạn. Nhà nước phải xác định trồng cây gì, giờ tập trung trồng lúa nhưng sắp tới giá lúa sẽ giảm thì nên chuyển một số đất lúa sang trồng cây khác và nên “đánh” mạnh cây ăn trái. Không nên để nông dân tự phát nữa và muốn quy hoạch gì thì nhà nước cũng phải lo đầu ra chứ đừng để nông dân tự bơi.
Đại Dương