Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Chia sẻ áp lực về nguồn vốn cho doanh nghiệp

Ngày 2/5, tại TP Cần Thơ, Văn phòng Điều phối Nông nghiệp Nông thôn ĐBSCL phối hợp với Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA), Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn và UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo về phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Các đại biểu nhìn nhận, chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL rất dài, nhiều trung gian. Trong đó, thương lái được xác định là cầu nối, mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp không thể triển khai hợp đồng liên kết sản xuất lâu dài với nông dân, HTX.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phân tích về vai trò của thương lái trong chuỗi giá trị lúa gạo. Ảnh: Kim Anh.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phân tích về vai trò của thương lái trong chuỗi giá trị lúa gạo. Ảnh: Kim Anh.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phân tích, doanh nghiệp thích mua lúa thông qua thương lái. Điều này giúp doanh nghiệp đỡ căng thẳng về tiền vốn phải bỏ ra vì không phải ứng trước cho nông dân trong thời gian dài từ 2 – 3 tháng. Bản thân nông dân cũng muốn bán lúa cho thương lái bởi có thể lấy tiền mặt ngay sau khi cân lúa.

Thực tế tại tỉnh Sóc Trăng, việc mua bán lúa giữa nông dân với thương lái thông qua môi giới trung gian chủ yếu là giao dịch thỏa thuận, tín nhiệm. Thời điểm thỏa thuận được thực hiện trước thu hoạch từ 10 – 12 ngày đối với những giống lúa được canh tác phổ biến.

Với những giống lúa ít phổ biến hơn hoặc sản phẩm lúa có yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy trình canh tác của bên mua sẽ được thỏa thuận ký kết hợp đồng trước vụ sản xuất. Dưới góc nhìn khuyến nông địa phương, ông Võ Quốc Trung, chuyên viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết, thương lái mua bán lúa tạm chia thành 2 nhóm.

Doanh nghiệp thích mua lúa thông qua thương lái để chia sẻ áp lực về nguồn vốn lưu động vào giai đoạn cao điểm thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Doanh nghiệp thích mua lúa thông qua thương lái để chia sẻ áp lực về nguồn vốn lưu động vào giai đoạn cao điểm thu hoạch. Ảnh: Kim Anh.

Nhóm thương lái “mua lúa - bán lúa” chiếm tỷ lệ trên 97%. Hoạt động chủ yếu của nhóm này là thỏa thuận với nông dân thu mua lúa tươi và bán lại lúa tươi cho doanh nghiệp chế biến xay xát tiêu thụ gạo thành phẩm.

Nhóm thứ hai là thương lái “mua lúa - bán gạo”. Nhóm này thỏa thuận với nông dân thu mua lúa tươi, sau đó gia công sấy khô, tồn trữ và xay xát gạo (chưa thành phẩm) bán lại cho doanh nghiệp chế biến hoặc tiêu thụ gạo theo kênh phân phối nội địa. Việc xác định thời điểm thu hoạch lúa thường được quyết định bởi thương lái. Điều này đôi khi trở thành vấn đề vướng mắc trong khâu tiêu thụ với người sản xuất.

Ông Trung đánh giá, thương lái tự quyết và chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh, không bị lệ thuộc quyết định của tập thể hay cơ chế giá như doanh nghiệp, tập đoàn.

Bên cạnh đó, lực lượng này cũng chia sẻ được áp lực về nguồn vốn lưu động với doanh nghiệp vào giai đoạn cao điểm thu hoạch. Từ những lợi ích đa chiều đó, TS Trần Minh Hải cho biết cần xem thương lái là đối tác đồng hành với nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam đề xuất để duy trì sự bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo, thương lái cần có giấy chứng nhận hành nghề hoặc được đăng ký hành nghề. Ảnh: Kim Anh.

Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam đề xuất để duy trì sự bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo, thương lái cần có giấy chứng nhận hành nghề hoặc được đăng ký hành nghề. Ảnh: Kim Anh.

Cụ thể, ngành nông nghiệp các địa phương cần có cơ chế khuyến khích, tập hợp thương lái vào các nhóm, câu lạc bộ trên tinh thần tự nguyện. Từ đó, cùng trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng lúa gạo.

Đặc biệt, cách làm này sẽ hạn chế được tình trạng “bẻ kèo” hoặc những hành vi thiếu lành mạnh trong mua bán nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng.

Phân biệt rõ “cò lúa” và thương lái

Trước khi đi vào phân tích vai trò của thương lái trong chuỗi giá trị lúa gạo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu phân biệt rõ giữa thương lái và “cò lúa”.

Trước hết, “cò lúa” hiện tồn tại ở khắp nơi và đang phát triển mạnh. Lực lượng này có nhiệm vụ tìm kiếm nguồn nguyên liệu, tập hợp sản lượng, ra giá và hỗ trợ nông dân tìm kiếm đầu mối tiêu thụ. Như vậy, “cò lúa” chính là khâu trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp trong khâu mua bán lúa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị nghiên cứu lại các vấn đề thương lái cần về cơ chế pháp lý để bổ sung, khuyến khích lực lượng thương lái hoạt động. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị nghiên cứu lại các vấn đề thương lái cần về cơ chế pháp lý để bổ sung, khuyến khích lực lượng thương lái hoạt động. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, lợi nhuận mà “cò lúa” thu được lại hưởng từ chênh lệch tiền bán lúa, trung bình từ 15.000 – 25.000 đồng/tấn.

Từ những yếu tố này, Thứ trưởng Nam đặt vấn đề có cần thiết tồn tại lực lượng “cò lúa” không, hay những HTX đủ năng lực có thể đảm nhiệm luôn dịch vụ này? Bởi bản chất của HTX không chỉ là sản xuất mà còn gắn với làm dịch vụ cho xã viên để tăng giá trị và lợi nhuận cho nông dân.

Đối với thương lái, Thứ trưởng Nam khẳng định phải có lực lượng này. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng, nắm được sản lượng, các giống lúa gieo sạ tại mỗi địa phương. Đặc biệt, thương lái có năng lực về nguồn vốn, tham gia cùng với doanh nghiệp để thu mua lúa cho nông dân. Qua đó, giúp gia tăng giá trị 20% trong chuỗi liên kết lúa gạo.

Tuy nhiên, vướng mắc của thương lái hiện nay là việc thỏa thuận mua bán thường dựa trên “hợp đồng miệng” với HTX và nông dân. Thứ trưởng Nam xác định, hình thức này phi chính thức và không được công nhận.

Do đó, cần có những biện pháp để cụ thể hóa hợp đồng này. Thứ trưởng Nam đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam nghiên cứu lại những vấn đề thương lái cần về cơ chế pháp lý để bổ sung, khuyến khích lực lượng thương lái hoạt động. Đồng thời, hỗ trợ thêm cho thương lái trong việc tìm kiếm đầu vào cho nông dân.

 

Kim Anh

https://nongnghiep.vn/phan-biet-ro-giua-thuong-lai-va-co-lua-d384712.html

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi