Hàng hóa Việt Nam ngày càng được bày bán nhiều tại các chuỗi cửa hàng và siêu thị tại Malaysia, thậm chí còn có mặt tại cả các chuỗi siêu thị có tên tuổi của quốc gia Đông Nam Á này.
Đây là tín hiệu đáng khích lệ, cho thấy hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc gia đa chủng tộc, đa tôn giáo với sự đa dạng ẩm thực đặc trưng khác nhau này. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường đã đưa ra đánh giá trên khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur.
Ông Ngô Quang Hưng, Bí thư thứ Nhất, Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Malaysia (phải) giới thiệu cà phê Việt Nam với Thủ hiến bang Melaka, ông Ab Rauf Yusoh. Ảnh: Hằng Linh - PV TTXVN
Theo ông Lê Phú Cường, Malaysia có khoảng hơn 32 triệu dân, tuy nhiên điều kiện trồng trọt và sản xuất lúa gạo không được thuận lợi. Do đó, Malaysia nhập khẩu khá nhiều.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Malaysia trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 11,8 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 4,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, mặt hàng gạo tăng ấn tượng lên đến 9,4%, mang lại gần 400 triệu USD.
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất sang thị trường Malaysia các mặt hàng nông sản khác như cà phê, hạt điều, thanh long, ớt, chanh… Mặc dù Malaysia là một thị trường có quy mô dân số vừa phải, song với quy mô nhập khẩu khoảng 5 tỷ USD/năm, đây cũng là một thị trường để các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cân nhắc.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng khá, tiêu biểu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với hơn 520 triệu USD, tăng 12,3%; sắt thép các loại với hơn 485 triệu USD, tăng 11,5%; gạo với gần 400 triệu USD, tăng 9,4%; điện thoại các loại và linh kiện với hơn 340 triệu USD, tăng 8,2%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với hơn 320 triệu, tăng 7,8%...
Nhiều sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, trong đó có gạo, cà phê, bánh đa nem, mì, phở, bún khô cũng như các loại rau gia vị… đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn, uy tín lâu năm của Malaysia như NKS, Jaya Grocer… Hàng hóa nông sản và ẩm thực Việt còn được cộng đồng người Hoa tại Malaysia ưa thích và tin dùng.
Tham tán Lê Phú Cường nêu rõ nhu cầu nhập khẩu thực phẩm và thực phẩm chế biến của Malaysia vẫn tăng cao, trong khi khả năng đáp ứng của Việt Nam là có nhưng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác. Do đó, cần quan tâm đầu tư và triển khai mạnh mẽ các biện pháp xúc tiến thương mại tại địa bàn nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng bản địa về hàng hóa Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia sản xuất nhiều loại hàng hóa có chất lượng, có uy tín, có chứng chỉ Halal và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong năm 2024, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là việc cập nhật chính sách thương mại sở tại tới các cơ quan, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động thương mại với Malaysia.
Thương vụ cũng tăng cường kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Malaysia và doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia nhằm tìm kiếm, giới thiệu đối tác thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cung cấp thông tin về thị hiếu tiêu dùng, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Malaysia, đồng thời tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường và kết nối với khách hàng tiềm năng.
Đánh giá về triển vọng thương mại Việt Nam-Malaysia trong thời gian tới, ông Lê Phú Cường nhận định thương mại song phương có tiềm năng tăng trưởng, có thể đạt được mục tiêu 18 tỷ USD trong năm 2025. Nhiều doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực và tiềm năng để thâm nhập thị trường Malaysia.
Chế biến sản phẩm xoài xuất khẩu ở nhà máy của Công ty CP Rau quả An Giang (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Nhìn nhận một cách khách quan, với đà mạnh lên của đồng nội tệ và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Malaysia được duy trì ở mức khá, khả năng xuất khẩu của Việt Nam vào Malaysia có những chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Đề cập cụ thể hơn về mặt hàng gạo, ông Lê Phú Cường cho rằng việc gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam vào Malaysia trong khi phía bạn chỉ cho 1 doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu thông qua chào giá cạnh tranh cho từng lô hàng cần được xem xét trên nhiều khía cạnh.
Sự độc quyền này vừa là biện pháp để giám sát giá mua hàng do sự cạnh tranh từ nhiều nhà cung cấp từ Việt Nam, trong khi chỉ có 1 người mua, đồng thời cũng là công cụ điều tiết giá gạo trên thị trường bán lẻ của Malaysia để tránh ảnh hưởng đến nguồn cung cấp tại chỗ.
Trong khi các nước nhập khẩu lớn gạo của Việt Nam đều có những thỏa thuận giữa chính phủ để đảm bảo an ninh lương thực, Malaysia chỉ đề cập đến vấn đề thỏa thuận chính phủ khi giá gạo tăng cao. Do đó. thỏa thuận về việc cung cấp gạo cho Malaysia cần được xem xét và đề xuất với cơ chế thực hiện phù hợp để tránh tình trạng tranh bán làm giảm giá.
Năm 2024, đánh dấu mốc son trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia sau hơn 50 năm phát triển với chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia theo lời mời của Thủ tướng Anwar Ibrahim. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Anwar Ibrahim nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam – Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thế giới.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Anwar Ibrahim cũng chứng kiến trao đổi hai văn kiện hợp tác gồm: Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Ngoại thương Malaysia; Bản ghi nhớ hợp tác về năng lượng tái tạo giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas). Theo Tham tán Lê Phú Cường, Biên bản ghi nhớ về hợp tác sẽ tạo tiền đề cho hợp tác kinh tế - thương mại, vốn là điểm sáng trong mối quan hệ hai nước.
https://bnews.vn/nong-san-viet-hap-dan-thi-truong-malaysia/358186.html