Nông dân thắng lớn trên những cánh đồng lúa không dấu chân

(laodong.vn) - Trên những cánh đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL, nông dân phấn khởi khi thu về lợi nhuận cao vụ lúa Đông Xuân 2024.

Nông dân thắng lớn trên những cánh đồng lúa không dấu chân

Nông dân miền Tây tất bật thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2024. Ảnh: Phương Anh

Thắng lớn vụ Đông Xuân

Thời điểm này, trên những cánh đồng tại khu vực ĐBSCL, nông dân đang tất bật thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2024. Trên những cánh đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã, niềm vui của nông dân như được nhân đôi khi doanh nghiệp bao tiêu, năng suất lúa đạt cao và bán được mức giá ổn định.

Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Chuyên (huyện Mỹ Xuyên) thu hoạch xong 1 ha lúa giống RVT, giá bán 8.400 đồng/kg. “Vụ lúa Đông Xuân năm nay, năng suất thu hoạch đạt gần 7 tấn. Vụ này trừ đi mọi chi phí, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng, hơn 5 triệu đồng so với năm trước”, ông Chuyên cho biết.

Ông Hứa Thành Nghĩa - Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp Đại Ân (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết, tổ có 22 thành viên canh tác 103 ha lúa giống ST24, ST25 cấp xác nhận. Năm nay, hầu hết ai cũng trúng mùa. Nhờ vậy, nhiều gia đình xây được nhà cửa kiên cố, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Còn tại Hậu Giang, anh Nguyễn Văn Thật (huyện Long Mỹ) cũng phấn khởi khi vừa thu hoạch xong 0,5 ha lúa giống Đài thơm 8, năng suất đạt hơn 1 tấn/công, lợi nhuận hơn 4 triệu đồng/công.

Anh Thật cho biết: “Do liên kết hợp tác với doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí sản xuất, bao tiêu đầu ra nên không quá lo lắng cộng với giá lúa thu mua khá cao nên có lời nhiều. Gần 10 năm làm ruộng, nhờ vụ này trúng mùa, được giá tôi tích cóp đủ tiền sửa sang lại căn nhà khang trang hơn”.

Liên kết sản xuất

Những năm gần đây, việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp đã giúp nông dân không còn chật vật tìm đầu ra, chi phí sản xuất thấp. Vụ lúa Đông Xuân 2024, anh Nguyễn Trọng Văn (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) có lợi nhuận cao vì không chỉ được bao tiêu mà còn được doanh nghiệp hỗ trợ lo từ A đến Z.

Anh Văn cho biết: “Tôi kí hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa gạo khoảng 4 năm. Trong suốt quá trình canh tác được doanh nghiệp cung cấp các loại vật tư, giống lúa đạt chuẩn, trang thiết bị, máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn với giá thành thấp hơn 5 - 7% so với giá thị trường, nhờ đó mà nhẹ gánh nặng chi phí”.

Cũng theo người nông dân này, trước đó khoảng 1 tháng giá lúa biến động giảm, thương lái bỏ cọc khiến nông dân chạy đôn, chạy đáo tìm thương lái. Tuy nhiên, anh Văn lại nhàn nhã ra đồng vì được doanh nghiệp bao tiêu, trợ giá.

“Giá lúa được công ty niêm yết lấy theo từng vụ, luôn ổn định theo giá thị trường. Vụ này, phía công ty có hỗ trợ thêm 150 đồng/kg cho bà con nông dân, giá gốc công ty lấy là 8.100 đồng/kg, cộng thêm trợ giá vụ này tôi bán giá 8.250 đồng/kg”, anh Văn cho biết.

Tương tự, lão nông Nguyễn Văn Còn (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) không những thoát cảnh bấp bênh mà còn nhàn nhã ra đồng vì xuyên suốt quá trình canh tác luôn được áp dụng cơ giới hóa theo mô hình “mặt ruộng không dấu chân” của doanh nghiệp.

Những cánh đồng d. Ảnh: Bích Ngọc

Thiết bị máy bay phun thuốc trên đồng ruộng. Ảnh: Bích Ngọc

“Từ làm đất, gieo sạ đến thu hoạch máy móc đều làm hết. Bây giờ hiện đại sử dụng thiết bị máy bay để phun thuốc, bón phân vừa nhanh chóng lại tiết kiệm. Thời đại 4.0, máy móc thay con người làm hết, nông dân nhàn nhã ra đồng, không còn mang vác, lội ruộng, chỉ việc đứng trên bờ quan sát”, ông Còn cho biết.

Trước đó, trao đổi tại Hội thảo về Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam - Trách nhiệm và bền vững trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang vào cuối năm 2023, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết, doanh nghiệp là cầu nối trong chuỗi giá trị lúa gạo. Muốn tạo thành chuỗi được thì phải tổ chức vùng nguyên liệu, chuyển giao quy trình sản xuất cho nông dân.

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi