Nhiều tín hiệu thuận lợi cho vụ Hè Thu 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long

(baotintuc.vn) - Mặc dù chỉ mới xuống giống vài ngày nhưng nhiều diện tích lúa Hè Thu 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang... đã có thương lái vào đặt cọc mua trước với giá từ 6.000 đồng/kg trở lên đối với lúa tươi.

Đồng thời, theo dự báo của các cơ quan chức năng, mùa mưa năm nay đến sớm, tình hình hạn, mặn giảm nhiều so với các năm trước nên rất nhiều khả năng vụ lúa Hè Thu 2021 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục giành thắng lợi, nông dân trúng mùa, trúng giá.

Chú thích ảnh

 Thu hoạch lúa Đông Xuân 2020 - 2021 tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp chất lượng cao Trung An, hiện nay nông dân ở huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, nơi đơn vị ký kết bao tiêu đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 và đã tranh thủ xuống giống lại vụ lúa Hè Thu được trên dưới 10 ngày và hiện lúa phát triển tương đối tốt. Hiện gạo Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, có chất lượng tăng cao và đã xác lập giá mới. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, tránh hạn mặn thì vụ lúa Hè Thu này chắc chắn sẽ tiếp tục giành thắng lợi.

Theo ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, trong tháng 4 và tháng 5, dự báo trên địa bàn sẽ có mưa sớm nên trong vụ Hè Thu tới nông dân cần xuống giống sớm và đặc biệt là do có mưa người dân nên tranh thủ tích nước để cung cấp lúa trong các thời điểm hạn, mặn để cây lúa không bị ảnh hưởng.

Về cơ cấu giống, theo Cục Trồng trọt, các địa phương cần ưu tiên sản xuất các giống lúa chất lượng cao, bố trí hợp lý các giống lúa dành cho chế biến và lúa nếp với việc đảm bảo các giống lúa thơm, lúa đặc sản (như giống ST25, RVT, Nàng Hoa 9, VD 20...) và các giống lúa chất lượng cao nhưz; Đài Thơm 8, OM 5451, OM 6976, OM 7347, OM 4218, Jamine 85...) chiếm tỷ lệ từ 70 đến 80%. Các giống lúa nếp (như IR 4625, nếp Bè) và các giống lúa có chất lượng trung bình (như IR 50404...) chiếm tỷ lệ không quá 25%.

Đặc biệt, các địa phương cũng cần quan tâm hướng dẫn nông dân sản xuất lúa sạch, thân thiện môi trường, tăng cường quản lý về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... để tăng giá trị lúa gạo xuất khẩu, tăng cường mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, cơ cấu giống vụ lúa Hè Thu thông thường có 2 nhóm giống khó tiêu thụ là nhóm giống lúa dành cho chế biến và giống nếp. Do đó, các địa phương sản xuất chuyên canh các giống lúa này, hoặc muốn mở rộng diện tích sản xuất các giống này cần hết sức chú ý và bố trí hợp lý theo tín hiệu thị trường, tức là dựa vào nhu cầu của các doanh nghiệp, thương lái hợp đồng thu mua, để tránh sản xuất dư thừa.

Theo dự báo, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mặn xâm nhập theo các đợt triều cường ở các khu vực cửa sông trong tháng 3 và bước vào tháng Tư, mặn bắt đầu giảm dần do có mưa, phạm vi xâm nhập mặn cách biển từ 30 đến 45 km... Do đó, ngành nông nghiệp cần hướng dẫn nông dân gieo cấy càng sớm càng tốt để liên tục cung ứng nguồn nguyên liệu cho thị trường, vùng ven biển tùy theo khu vực mà hướng dẫn nông dân xuống giống cho phù hợp, đảm bảo an toàn không để lúa bị nhiễm mặn.

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa Hè Thu 2021, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch gieo cấy trên 1,52 triệu ha, năng suất dự kiến đạt 5,62 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt trên 8,55 triệu tấn, tăng 92.000 tấn so với vụ Hè thu 2020.

Tính đến gần cuối tháng 3, toàn vùng đã gieo cấy trên 320.000 ha lúa Hè Thu 2021 và dự kiến trong tháng 4 nông dân sẽ gieo cấy thêm khoảng 400.000 ha và toàn bộ diện tích lúa Hè Thu 2021 sẽ được xuống giống dứt điểm vào nửa đầu tháng 6/2021.

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi