Một thương lái ở Kiên Giang tiết lộ mức lợi nhuận thực sự của người trồng lúa

(danviet.vn) - Theo nhiều thương lái và doanh nghiệp, lợi nhuận của người trồng lúa trong vụ đông xuân 2022 - 2023 đạt 50 - 60% đã là con số mơ ước, còn nếu phải đi thuê đất thì lợi nhuận chỉ đạt 20 - 30%. Tuy nhiên, nếu sản xuất đại điền thì thu nhập của nông dân rất tốt.

Khi phóng viên Dân Việt đặt câu hỏi: "Lợi nhuận của người trồng lúa có đạt 100% không?", anh Nguyễn Hoàng Nên, một thương lái chuyên thu mua lúa ở xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang bật cười và khẳng định luôn: "Làm gì có!". 

Được biết, vụ đông xuân 2022 - 2023, anh Nên mua khoảng 500 - 600 tấn lúa, chủ yếu là giống Đài thơm 8.

Anh Nên cho biết, sản xuất vụ đông xuân 2022- 2023 tương đối thuận lợi, lúa trúng mùa, giá ổn định ở mức cao, giá vật tư đầu vào cũng giảm so với vụ đông xuân 2021 - 2022 nên lợi nhuận của người trồng lúa đạt khoảng 50 - 60%. "Đây đã là con số trong mơ rồi", anh Nên nói.

Theo tính toán của anh Nên, chi phí đầu tư sản xuất lúa cho 1 công (tầm lớn) đã vào khoảng 3,5 - 4,1 triệu đồng, với giá bán lúa ổn định trong khoảng 6.200 - 6.500 đồng/kg thì người trồng lúa có lãi khoảng 50%; còn trong trường hợp phải đi thuê đất để trồng lúa thì lợi nhuận chỉ đạt 20 - 30%. Nếu sản xuất diện tích lớn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ thì có thể tiết kiệm được chi phí thêm khoảng 10%.

"Mức lợi nhuận này còn không tính công, chủ yếu là bà con lấy công làm lời", anh Nên cho biết thêm.

Một thương lái ở Kiên Giang tiết lộ mức lợi nhuận thực sự của người trồng lúa - Ảnh 1.

Với giá lúa như hiện tại, người trồng lúa có lãi khoảng 50%; còn trong trường hợp phải đi thuê đất để trồng lúa thì lợi nhuận chỉ đạt 20 - 30%. Ảnh: H.Xây.

Theo anh Nên, đúng là vụ đông xuân 2022- 2023 giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có giảm nhưng là giảm ở giai đoạn sau, còn thời điểm gieo sạ thì giá vật tư đầu vào vẫn rất cao. Không những thế, lạm phát, giá xăng dầu biến động cũng ảnh hưởng rất lớn đến chi phí nhân công, công cắt. "Trước, công cắt máy gặt đập liên hợp chỉ 300.000 - 320.000 đồng/công nay đã tăng lên 400.000 đồng/công", anh Nên lấy ví dụ.

Sau khi hạch toán tất cả các chi phí, anh Nên khẳng định: "Với chi phí như hiện nay, nông dân thu lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ". 

Tương tự, chị Dương Thanh Thảo - Giám đốc Điều hành Công ty CP Gạo Ông Thọ (trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh) khẳng định, dù rất muốn nhưng nông dân trồng lúa nói chung chưa thể mơ đến mức lợi nhuận 100%, đặc biệt là sản xuất nông hộ, diện tích canh tác nhỏ. Bản thân chị Thảo đã có ý định thuê đất canh tác một số giống lúa đặc sản nhưng khi tính kỹ lại chi phí thì chị đành tạm gác ý định này lại.

Cụ thể, trong bảng thống kê chi phí vụ lúa đông xuân giống ST chị Thảo cung cấp cho Dân Việt, các chi phí cho sản xuất lúa (tính cho 1 công tầm lớn, tương đương 1.296m2) gồm:

Nhóm chi phí cố định (thuê đất, cày xới làm đất, điều tiết nước tưới, thu hoạch, giống, thuốc trừ cỏ): 1.914.800 đồng.

Nhóm chi phí biến động (phân bón hữu cơ, phân bón hóa học, công rải phân, thuốc bảo vệ thực vật, công phun thuốc): 1.444.000 đồng.

Nhóm chi phí nhân công (làm đất, ngâm ủ giống, công rải giống, tỉa dặm lúa, làm cỏ bờ, bơm nước,...): 780.000 đồng.

Trong điều kiện năng suất lúa đạt 700kg/công tầm lớn, giá thành sản xuất lúa đã lên đến 5.913 đồng/kg, với giá bán 7.300 đồng, thì lợi nhuận nông dân thu được là 23%.

"Đúng là thời gian qua, giá phân bón có giảm nhưng lạm phát tăng dẫn đến các chi phí khác đội lên nhiều. Nếu tính chi phí thuê đất, công chăm sóc theo giá thị trường thì rất khó có lời, chưa kể rủi ro mùa vụ và giá cả", chị Thảo nói. 

Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Công ty CP Gạo Ông Thọ, đối với những người gom được 20-30ha đất trồng lúa, ứng dụng máy móc thiết bị thì thu nhập tốt.

Trước đó, Bộ Công Thương có báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023 với thông tin giá gạo xuất khẩu nhiều thời điểm cao, giúp nông dân lãi 100%.

Đánh giá chung, Bộ Công Thương cho hay lượng lúa gạo đã được tiêu thụ hết cho người nông dân. Đảm bảo lợi ích người trồng lúa có lãi, bình ổn giá thóc, gạo trong nước. 

Bộ Công Thương dẫn chứng giá thành sản xuất bình quân mà Bộ Tài chính công bố là 3.219 đồng/kg, song mức giá thóc trên thị trường là 6.650 đồng/kg. Mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%.

Chi phí cho sản xuất lúa vụ đông xuân giống ST (tính cho 1 công tầm lớn, tương đương 1.296m2) gồm:

- Nhóm chi phí cố định (thuê đất, cày xới làm đất, điều tiết nước tưới, thu hoạch, giống, thuốc trừ cỏ): 1.914.800 đồng.

- Nhóm chi phí biến động (phân bón hữu cơ, phân bón hóa học, công rải phân, thuốc bảo vệ thực vật, công phun thuốc): 1.444.000 đồng.

- Nhóm chi phí nhân công (làm đất, ngâm ủ giống, công rải giống, tỉa dặm lúa, làm cỏ bờ, bơm nước,...): 780.000 đồng.

- Trong điều kiện năng suất lúa đạt 700kg/công tầm lớn, giá thành sản xuất lúa đã lên đến 5.913 đồng/kg, với giá bán 7.300 đồng, thì lợi nhuận nông dân thu được là 23%.

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi