Indonesia có thể nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay

(nhipsongkinhdoamh.vn) - Bộ Thương mại Indonesia (In-đô-nê-xi-a) cho biết quốc gia Đông Nam Á này có thể nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay để lấp đầy kho dự trữ gạo quốc gia (CBP) vốn đang giảm dần.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông báo nói trên được đưa ra sau khi chính phủ nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ các nước gồm Việt Nam, Thái Lan và Pakistan (Pa-ki-xtan) bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái.

Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan cho hay chính phủ đã nhất trí về nội dung trên trong bối cảnh Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) chỉ còn khoảng 1/4 lượng dự trữ tối thiểu cần thiết là 1,2 triệu tấn.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban VI (giám sát các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và doanh nghiệp nhà nước) thuộc Hạ viện, ông Zulkifli nói: “Trong cuộc gặp với Tổng thống, chúng tôi đã quyết định rằng bất cứ khi nào cần, Indonesia có thể nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo. Không nhập thì làm sao đảm bảo nguồn cung?”.

Giá gạo tiếp tục tăng từ đầu năm bất chấp việc nhập khẩu gạo gây tranh cãi bắt đầu từ cuối năm ngoái và các biện pháp can thiệp thị trường mới đây của Bulog. Bảng giá của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) cho thấy giá gạo cao cấp và gạo chất lượng trung bình lần lượt ở mức 13.500 rupiah (88 xu Mỹ)/kg và 11.820 rupiah (77,04 xu Mỹ)/kg, cao hơn 2% và 19% so với giá trần.

Hồi tháng 2, giá gạo chất lượng cao đã tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022 lên mức 13.521 rupiah/kg, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tương tự, gạo chất lượng trung bình tăng giá 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 11.707 rupiah/kg, cao nhất kể từ năm 2018.

Theo Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), do được sử dụng phổ biến trong ẩm thực địa phương, gạo đóng góp lớn nhất vào tỷ lệ lạm phát so với bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Vì vậy, bình ổn giá là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Ông Zulkifli khẳng định rằng, dù đã đưa ra lựa chọn này, song chính phủ sẽ không tiến hành nhập khẩu gạo trong tương lai gần. Theo ông Zulkifli, mùa thu hoạch sắp tới, do vậy nguồn cung từ nước ngoài tràn vào có thể ảnh hưởng đến giá trong nước.

Về phần mình, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bulog, ông Budi Waseso, cho hay cơ quan này đã phân phối khoảng 230.000 tấn gạo, chiếm gần một nửa trong số 500.000 tấn nhập khẩu, để ổn định giá thị trường.

Ông Budi cam kết tiếp tục phân phối để đáp ứng nhu cầu của các nhà bán lẻ và chợ truyền thống, đồng thời khẳng định giấy phép nhập khẩu sẽ chỉ được thực hiện trong tình huống khẩn cấp, ví dụ khi có nhu cầu cấp thiết nhằm giảm bớt hạn chế về nguồn cung.

Ngày 15/3, Chính phủ Indonesia đã tăng trần giá bán lẻ gạo 8% và 15% đối với gạo chất lượng cao cấp và gạo chất lượng trung bình nhằm bù đắp chi phí sản xuất cho nông dân trong bối cảnh giá nhiên liệu được trợ giá tăng cao và thiếu hụt nguồn cung phân bón.

Hữu Chiến

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi