Gạo Việt gia nhập đường đua giá trị, doanh nghiệp xuất khẩu bứt tốc cuối năm?

Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đã làm cho nhu cầu tiêu thụ của thế giới tăng cao. Điều đó giúp gạo Việt Nam có cơ hội tham gia vào các đường đua giá trị.

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, nâng thuế xuất khẩu gạo trắng và gạo lứt lên 20% đang làm tác động không nhỏ tới thị trường 3 tỷ dân sử dụng gạo trên thế giới.

Trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp tăng trong thời gian qua, nhiều khách hàng trước đây của Ấn Độ đã chuyển hướng sang Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu các Bộ liên quan nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và có giải pháp ổn định thị trường giá cả lúa gạo và bảo đảm lợi ích người nông dân.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân.

Trong phiên giao dịch ngày 28/9/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được xuất khẩu với mức 433 USD/tấn, tăng khoảng 10% so với thời điểm đầu năm nay.

Ông Dương Đức Quan, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: "Nhìn chung, bức tranh cung cầu của thị trường gạo đang thiên về một xu hướng tăng trong giai đoạn quý IV năm 2022 và đầu năm 2023. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt đáng báo động.

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu khẩu trong khi Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm tới sẽ là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm, nhu cầu ổn định, theo tôi giá gạo thế giới và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới".

Theo các doanh nghiệp, khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, các bên mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Từ thực tế trên, Hiệp hội lương thực Việt Nam dự kiến 4 tháng cuối năm sẽ xuất khẩu khoảng 1,5 đến 1,7 triệu tấn, như vậy cả năm sản lượng xuất khẩu sẽ rơi vào từ 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn khoảng từ 1 trăm đến 2 trăm nghìn tấn so với năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp đứng trước cơ hội đẩy nhanh xuất khẩu.

Doanh nghiệp gạo tăng tốc xuất khẩu cuối năm

Nhiều thương nhân Trung Quốc bắt đầu hỏi mua gạo tấm của doanh nghiệp này. Mặc dù chuyên cung cấp gạo trắng thơm nhưng theo đại diện doanh nghiệp cũng là tín hiệu tích cực mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đón nhận.

Ngay đầu tuần này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm lại tiếp tục tăng 20 USD/tấn so với tuần trước. Tuy nhiên cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải theo sát thị trường vì lượng gạo sắp thu hoạch được từ nay đến cuối năm xung quanh khoảng 2 triệu tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết: "Lưu ý doanh nghiệp thận trọng thị trường và mùa vụ thu hoạch sắp tới vì lượng gạo sắp thu hoạch cũng không còn nhiều".

Đặc biệt, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo tấm và "gạo dài không thơm" sang các thị trường châu Phi và Trung Quốc đang đứng trước nhiều cơ hội tìm kiếm thêm được khách hàng mới vì từ trước tới giờ gạo của Ấn Độ đang khá cạnh tranh với gạo của Việt Nam ở phân khúc thị trường này.

Như vậy, việc giá gạo gia tăng trong thời gian qua là cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Dù giá gạo đang có xu hướng tăng, song trên thực tế lượng khách hàng ký hợp đồng mới chưa nhiều. Nhiều thương lái, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục theo dõi, chờ đợi mức giá cao hơn. Theo ghi nhận của phóng viên VTVMoney, thay vì đẩy mạnh sản lượng ra thị trường lúc này, gạo Việt Nam tiếp tục cuộc đua về giá trị.

Gạo Việt Nam gia nhập đường đua gạo giá trị cao

Những túi gạo Việt Nam loại một kg mang thương hiệu "Việt Nam rice" được phần phối ngay tại 3 hệ thống siêu thị lớn của Pháp. Điều này mở ra triển vọng lâu dài cho gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam khá ổn định qua các năm từ 6,3 đến 6,5 triệu tấn, thời gian tới việc đẩy nhanh sản lượng xuất khẩu cũng không phải dễ vì còn phải đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân trong nước. Vì thế bài toán kinh tế ở đây là nâng chất lượng và giá bán gạo Việt Nam.

Ông Trịnh Bá Ninh, chuyên gia nông nghiệp cho biết: "Sẽ tập trung giá trị tăng lên chứ không đua về số lượng nữa và chiến lược của chúng ta sẽ giữ lại tầm 3,5 - 4 triệu tấn gạo xuất khẩu nhưng giá gấp đôi. Đây không phải cuộc đua số lượng nữa mà cuộc đua giá trị thu về".

Có như vậy mới đảm bảo thu nhập cho người trồng lúa khi giá vật tư đầu vào đã tăng cao trong suốt thời gian qua.

Hiện nay, hơn 80% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo chất lượng cao, vừa qua đã có những tấn gạo được xuất khẩu với giá trên 800 USD/tấn - 1000 USD/tấn. Đây là cơ hội để gạo Việt Nam nâng cao giá trị là hiện hữu trong thời gian tới.

Nguồn: Tạp chí điện tử Chất lượng và cuộc sống

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi