Gạo thương hiệu Việt

Trong Ðề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”, thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo; trong đó gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm trung bình và thấp 15%, sản phẩm từ gạo 5%. Ðặc biệt, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu là 20%.

Nâng giá trị hạt gạo

Ghi nhận tại Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa gạo của cả nước cho thấy tại tỉnh Sóc Trăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản ngày càng tăng. Toàn tỉnh có diện tích canh tác hằng năm hơn 350.000ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn lúa mỗi năm; trong đó lúa đặc sản chiếm hơn 51%. Nhờ sự tích cực triển khai kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và nông dân, những năm gần đây nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ đã hình thành. Ðiển hình như HTX nghiệp Hưng Lợi, xã Long Ðức, huyện Long Phú. Qua thống kê 4 năm gần đây, tổng diện tích ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa của HTX đạt hơn 3.900ha, sản lượng cung ứng 29.500 tấn lúa, trong đó chủ yếu là lúa đặc sản chất lượng cao.

Chia sẻ với phóng viên, nông dân Trần Văn Quang, ngụ tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) phấn khởi nói, gần đây giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã vượt qua Thái Lan. Người nông dân vui mừng nhất là khi sản xuất lúa trúng mùa, lại bán được giá cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo với giá cao từ đó nông dân cũng có lời và yên tâm liên kết sản xuất.

Liên kết bền vững

Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình HTX để tổ chức sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo đang là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao giá trị hạt gạo; tỉnh Đồng Tháp đã hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ thông qua HTX và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững. Điển hình là mô hình liên kết của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp. Những ngày cuối năm chúng tôi có dịp ghé thăm HTX được ông Ngô Phước Dũng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II chia sẻ: HTX thực hiện liên kết sản xuất từ đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm đầu ra với Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Cửu Long Seed với diện tích hằng năm trên 1.000 ha; liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam với diện tích trên 900ha/năm. Nông dân tham gia sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm được công ty thu mua lúa cao hơn từ 900 - 1.000 đồng/kg so với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch.

Liên kết làm ăn hiệu quả và bền vững với nông dân hơn 10 năm qua, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An có nhiều sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng được những thị trường khó tính nhất. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ Phạm Thái Bình cho biết hiện nay thị trường xuất khẩu gạo khá rộng và đa dạng, cơ cấu thị trường có xu hướng chuyển dịch giảm tỉ trọng thị trường châu Á, chuyển sang các thị trường châu Âu, châu Phi. Đây là cơ hội thấy rất rõ cho gạo Việt. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu cũng dần chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các loại gạo có giá trị gia tăng cao, giảm tỉ trọng các loại gạo phẩm cấp thấp.