Dấu ấn gạo Việt

Để trở thành cường quốc xuất khẩu gạo bền vững, nhiều doanh nghiệp gạo Việt đã "trở mình" chuyển sang xu hướng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng gạo, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu.

Lúa gạo vừa là nguồn lương thực quan trọng, vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam.

Lúa gạo vừa là nguồn lương thực quan trọng, vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam.

Những bước phát triển vượt bậc

Trước năm 1986, Việt Nam phải nhập khẩu gạo do sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa. Năm 1986, với những chính sách đổi mới về phát triển kinh tế đất nước nói chung, trong đó có triển khai những chính sách quan trọng phát triển nông nghiệp nên sản xuất lúa gạo của Việt Nam phát triển nhanh chóng, tăng cả về sản lượng và năng suất. Đến năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu. Trải qua hơn 30 năm xuất khẩu gạo, đến nay, gạo Việt Nam có mặt ở hơn 150 nước, vùng lãnh thổ.

Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa là Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu gạo tiêu thụ trong nước, nhân dân đủ gạo ăn, mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt giao thương hàng hoá quốc tế. Sau năm 1986, lúa gạo là một trong những ngành hàng đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như các lĩnh vực kinh tế khác trong việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Điều này vừa mang lại ngoại tệ cho quốc gia, vừa góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị hạt lúa, hạt gạo Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào sản xuất lúa trên cả nước. Đây cũng là cơ sở, là tiền đề cho việc phát triển thâm canh trồng lúa, năng suất, sản lượng lúa liên tiếp tăng theo từng năm, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và không ngừng tăng trưởng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong các năm tiếp theo.

Hiện nay, trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành lúa gạo cũng được đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với mục tiêu đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; nâng cao thu nhập cho nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo đạt chất lượng và giá trị cao.

Lúa gạo vừa là nguồn lương thực quan trọng, vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Trung bình một năm, Việt Nam sản xuất khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo, sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo/năm, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa chính chiếm đến hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Những năm gần đây, ngành gạo đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả. Hàng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm  khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Hạt gạo Việt  đã có mặt trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là châu Á, trong đó, Trung Quốc và Philippines là hai thị trường chính của xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, ngành lúa gạo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập, dịch bệnh Covid -19 bùng phát. Làm thế nào để tận dụng được các cơ hội vượt qua thách thức, khắc phục những hạn chế của ngành, đẩy mạnh xuất khẩu gạo là vấn đề đang đặt ra cần giải quyết.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2022 diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7,2 triệu ha như kế hoạch, sản lượng lúa cả năm trên 43 triệu tấn, sản lượng gạo dành cho xuất khẩu đạt khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn. Bộ này cũng dự báo năm nay xuất khẩu gạo sẽ thuận lợi cả năm, kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm nay có khả năng đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỉ USD.

Gạo mang thương hiệu Cơm ViệtNam Rice lên kệ tại hệ thống đại siêu thị Carrefour tại Pháp.

Gạo mang thương hiệu Cơm ViệtNam Rice lên kệ tại hệ thống đại siêu thị Carrefour tại Pháp.

Những năm gần đây, chủng loại gạo xuất khẩu của nước ta ngày càng đa dạng, với các mặt hàng gạo xuất khẩu như gạo thơm các loại, gạo cao cấp, gạo nếp...

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đầu tháng 9/2022, lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng nguyên liệu gạo ST25 - thương hiệu gạo "Made in Vietnam" - đã trở thành bữa trưa đặc biệt tại Văn phòng nội các Nhật Bản.

Để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng yêu cầu rất cao của nước này. Đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp Việt sau một năm đàm phán với phía Nhật.

Tiếp nối thành công này, trong tháng 9/2022, sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu "Cơm Vietnam Rice" của Tập đoàn Lộc Trời được xuất khẩu qua TT foods để vào hệ thống siêu thị bán lẻ E.Leclerc hàng đầu của Pháp. Trước đó, 500 tấn "Cơm Vietnam Rice" cũng đã lên kệ Carrefour.

Hơn 20 năm qua, gạo Việt chỉ xuất khẩu dưới dạng đóng bao trơn vô danh hoặc phải đóng gói dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài. Đây là năm đầu tiên các sản phẩm gạo xuất khẩu được mang thương hiệu "Made in Vietnam", đóng gói trong bao bì riêng của doanh nghiệp Việt và đã đăng ký mẫu mã quốc tế.

Ngoài ra, trước đây gạo Việt ra thế giới chủ yếu dành cho phân khúc phổ thông, nay chất lượng mặt hàng này ngày càng nâng cao, thu hút nhiều người tiêu dùng thuộc phân khúc cao cấp.

Ngành lúa gạo được đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Ngành lúa gạo được đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Nhiều chính sách hiệu quả

Trong thời gian qua đã có nhiều chính sách được ban hành liên quan đến phát triển ngành lúa gạo như: Luật Trồng trọt năm 2018 và Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác; Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019, sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/8/2018 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ trong nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 05/6/2018 về Bảo hiểm nông nghiệp; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 về khuyến nông; Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo....

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sản xuất; Bộ đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-BNN-TT ngày 10/3/2020 về việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2019-2020 (lần 2); Bộ đã ban hành Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2021 Phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”.

Cùng các cơ chế, chính sách mới được ban hành, nhiều quy trình kỹ thuật canh tác lúa cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất, sản lượng, nhất là tăng chất lượng hạt gạo đồng thời với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Cụ thể, quy trình kỹ thuật như 3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm, SRI, IPM, tưới ướt khô xen kẽ…

Trong ba năm trở lại đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có bước chuyển mình rõ rệt. Điều này xuất phát từ chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó có tái cơ cấu ngành lúa gạo với hướng điều chỉnh mạnh mẽ, thay đổi quy trình canh tác và tập trung nâng cao chất lượng gạo.

Đặc biệt, chất lượng gạo xuất khẩu được nâng cao xuất phát từ việc tập trung đẩy mạnh gieo trồng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao.

Ngoài thay đổi về giống lúa thì một trong những “mắt xích” quan trọng trong tái cơ cấu ngành lúa gạo là liên kết, nhất là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ khép kín. Những năm qua, mối liên kết này vẫn được coi là “nút thắt” lớn nhất đối với sản xuất lúa gạo, nên khi được tháo gỡ, đã tạo ra sự biến chuyển nhanh chóng cho ngành hàng lúa gạo cả ở khâu sản xuất và kinh doanh. Một trong những mô hình liên kết nổi bật thời gian qua là sự hình thành các liên hiệp hợp tác xã. Đây là những mô hình điểm về liên kết sản xuất lớn: nông dân vẫn giữ đất canh tác, nhưng phải tuân thủ theo kế hoạch, quy trình sản xuất của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng; doanh nghiệp bảo đảm đầu ra sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân. Nhờ đó, chất lượng lúa gạo từng bước được nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện không chỉ của từng khu vực xuất khẩu mà còn của từng quốc gia xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo lâu nay luôn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn.

Xuất khẩu gạo lâu nay luôn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn.

Còn nhiều tiềm năng và cơ hội tăng trưởng

Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao.

Xuất khẩu gạo lâu nay luôn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, tác động lớn đến sinh kế và lợi ích của hàng chục triệu nông dân cả nước. Trong thời gian tới, ngành hàng xuất khẩu gạo còn nhiều tiềm năng và cơ hội tăng trưởng, mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và nông dân trồng lúa. Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm xóa bỏ “điểm nghẽn” trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết để tạo ra bước đột phá mới.

Trong những năm qua, Việt Nam trở thành điểm đến quen thuộc của các nhà buôn gạo lớn trên thế giới. Nông dân cũng tự thân vận động đi tìm các giống gạo phù hợp.

Các nhà máy cũng thay đổi máy móc phù hợp với yêu cầu của đầu ra quốc tế. Ngoài các lợi thế như trình độ sản xuất lúa chất lượng cao, điều kiện canh tác... Việt Nam ngày càng có nhiều giống lúa gạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế.

Một số giống lúa không chỉ cho chất lượng cao mà còn có năng suất cao và có khả năng trồng quanh năm không phụ thuộc mùa vụ. Điều này giúp Việt Nam trở thành nguồn cung ứng gạo ổn định quanh năm.

Đây là nền tảng vững chắc giúp hạt gạo của Việt Nam được tiêu thụ ở phân khúc cao cấp. Đó chính là lý do gần đây giá gạo Việt cao hơn trước và lượng gạo xuất khẩu luôn ổn định.

Trong suốt chặng đường dài phát triển, ngành lúa gạo đã đạt được nhiều kỳ tích đáng kể, song cũng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để tạo đà phát triển bền vững.

Hiện nay, sự phát triển của ngành lúa gạo đang đứng trước các thử thách do hiệu quả thấp, thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm.

Để vượt qua thử thách, phát huy lợi thế, giữ vững vị trí quan trọng của lĩnh vực trồng trọt, ngành lúa gạo cần được tiếp tục tái cơ cấu đến năm 2025 và 2030 nhằm đáp ứng những yêu cầu mới cho sự phát triển cao hơn và bền vững hơn.

Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2025 và năm 2030 nêu rõ: Đến năm 2030, giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu ha, linh hoạt diện tích gieo trồng, bảo đảm tối thiểu sản lượng 35 triệu tấn lúa/năm. Xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo; trong đó loại gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 45%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 15%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 10%, sản phẩm chế biến từ gạo 10%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 40%. Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận hơn 90%; sử dụng giống chất lượng cao 80%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ...) khoảng 70%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%. Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa 40%. Tỷ lệ diện tích gieo trồng liên kết sản xuất- tiêu thụ khoảng 50%. Lợi nhuận cho người trồng lúa hơn 30%. Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 10%.

Muốn đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện các giải pháp ưu tiên như: Hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách đối với đất lúa, có chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện tích tụ đất lúa, tăng quy mô sản xuất lúa nông hộ và thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất lúa quy mô lớn.

Nhà nước có chính sách đặc thù như ưu tiên tích tụ đất lúa, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả ngành lúa gạo và thu nhập nông dân; chuyển đổi hỗ trợ cho các địa phương theo diện tích trồng lúa sang hỗ trợ cho các vùng sản xuất lúa trọng điểm và vùng lúa có luân canh với rau màu hoặc thủy sản.

Đối với vấn đề liên kết sản xuất-tiêu thụ, cần bổ sung chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp đủ lớn và kéo dài thời hạn vay để doanh nghiệp có điều kiện liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân và dự trữ lúa, gạo với sự tham gia hỗ trợ của ngành ngân hàng trong cho vay theo chuỗi giá trị.

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực đàm phán với nhà phân phối nước nhập khẩu. Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần luôn đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.

Cũng theo các chuyên gia, trong thời gian tới, chúng ta cần phải tạo ra một bộ giống lúa giá trị cao hơn, đảm bảo đem lại lợi ích cho người trồng lúa và các doanh nghiệp. 

Hà Thu

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi