Chủ động để vụ lúa đông xuân thắng lợi

(baocantho.com.vn) - Vụ đông xuân 2021-2022, Cần Thơ có kế hoạch gieo trồng 76.290ha lúa. Lịch thời vụ xuống giống được ngành Nông nghiệp thành phố khuyến cáo gồm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 8 đến 14-11 và đợt 2 từ ngày 28-11 đến 4-12. Ðông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm nên nông dân chuẩn bị từ khá sớm, ngành Nông nghiệp thành phố cũng kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chủ động chuẩn bị để có vụ mùa thắng lợi.

 

Nông dân ở huyện Thới Lai mở đồng đón nước và làm đất để chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân.

Cải tạo đất

Anh Thái Văn Phường ở ấp Ðông Thắng A, xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, cho biết: “Khoảng giữa tháng 11 tôi mới xuống giống vụ đông xuân cho 10 công đất nhà. Nhưng ngay từ đầu tháng 10, sau khi thu hoạch lúa vụ thu đông, tôi đã tranh thủ mua lúa giống và vệ sinh đồng ruộng, trục xới đất rồi mở đồng đón nước để nhấn chìm các mầm sâu bệnh và góp phần cải tạo đất. Năm nay, lũ nhỏ nhưng nhờ tranh thủ mở đồng sớm nên tôi tin rằng đồng ruộng sẽ được bổ sung một lượng phù sa nhất định, tạo điều kiện để lúa trúng mùa lại giảm được chi phí tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật”.

Ðông xuân là vụ lúa thường cho năng suất, chất lượng lúa tốt nhất trong năm và có tính quyết định đến thời vụ các vụ lúa tiếp theo. Vụ lúa đông xuân, nông dân cũng thường đạt được lợi nhuận cao hơn so với các vụ lúa hè thu và thu đông nhờ có nhiều điều kiện thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng sẽ giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bán được giá cao. Ðặc biệt, trong thời điểm nối tiếp giữa vụ lúa thu đông và đông xuân tại TP Cần Thơ là mùa lũ và có khoảng thời gian giãn vụ khá dài. Ðây là điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện tốt khâu chuẩn bị và có thời gian cho đất nghỉ ngơi...

Ông Huỳnh Văn Giỏi ngụ ấp Thới Thạnh, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cũng cho biết: “Hầu hết diện tích lúa vụ thu đông tại địa phương thu hoạch khá sớm từ tháng 9 và tháng 10 nên nông dân chủ động mở đồng đón lũ và có nhiều thời gian chủ động chuẩn bị nguồn lúa giống tốt... Tuy nhiên, vụ lúa này nông dân lo các chi phí sản xuất sẽ tăng cao bởi giá nhiều loại vật tư đầu vào đang tăng rất mạnh, đặc biệt giá nhiều loại phân bón đã tăng hơn gấp đôi so với vụ lúa năm ngoái”.

Hướng đến vụ mùa thắng lợi

Lũ nhỏ và lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về ÐBSCL trong mùa khô bị giảm so với mọi năm, dự báo hạn mặn trong mùa khô năm 2021-2022 tại vùng ÐBSCL sẽ đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Ðể sản xuất lúa đông xuân đạt năng suất, sản lượng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do điều kiện thời tiết, cũng như dịch bệnh gây ra, ngay từ sớm ngành chức năng đã quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, chú ý quan tâm đẩy sớm thời vụ sản xuất để né hạn mặn vào cuối vụ. Chủ động chuẩn bị nguồn giống tốt, đảm bảo chất lượng và tăng cường sản xuất các loại lúa gạo chất lượng cao, lúa thơm, đặc sản để bán được giá cao và xuống giống theo lịch thời vụ được ngành chức năng khuyến cáo. Ðồng thời, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với tăng cường áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, vụ đông xuân 2021-2022, thành phố có kế hoạch gieo trồng 76.290ha lúa. Ðể sản xuất thắng lợi vụ lúa này, các địa phương cần bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ của thành phố kết hợp với biện pháp “xuống giống né rầy, tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng”, xuống giống theo dự báo rầy nâu di trú và rầy nâu tại chỗ của ngành Nông nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương cần hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chủ động chuẩn bị nguồn giống tốt, đảm bảo chất lượng. Chú ý chọn các loại giống phù hợp cho vùng sản xuất 2 hoặc 3 vụ lúa/năm để đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ lúa ít nhất 3 tuần. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống cấp xác nhận trở lên. Xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân 2021-2022 đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh, sử dụng giống bền vững, phù hợp thực tế sản xuất và thị trường. Ngay trong mùa lũ, các địa phương vận động nông dân nhấn chìm lúa chét, cỏ trên ruộng trong nước lũ để không còn nơi cư trú cho rầy nâu. Ðây là biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả và ý nghĩa rất lớn để cắt nguồn rầy nâu khi nông dân tiến hành gieo sạ vụ đông xuân. Ðồng thời, vệ sinh đồng ruộng, trục xới đất, đưa nước vào ruộng để nhấn chìm rơm rạ, sử dụng chế phẩm sinh học để rơm rạ mau phân hủy, tránh ngộ độc hữu cơ khi sạ lúa và chủ động tiêu diệt các mầm sâu bệnh trên đồng. Chú ý bón lót phân lân, vôi, phân hữu cơ trước khi sạ lúa… giúp kích thích bộ rễ cây lúa phát triển mạnh, hạn chế ngộ độc hữu cơ và giúp giảm tiền phân bón hóa học. Thực hiện giảm lượng giống gieo sạ không quá 100 kg/ha...

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tranh thủ giai đoạn giãn vụ, ngành Nông nghiệp các địa phương cần tăng cường hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật, giúp bà con chủ động nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là các giải pháp canh tác tiên tiến. Chú trọng từ khâu làm đất đến giảm giống và các giải pháp canh tác để giảm lượng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi