(HG) - Chiều ngày 2-10, tại thành phố Cần Thơ, Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức Hội thảo Quốc gia “Đất và phân bón” lần thứ nhất năm 2024, với chủ đề “Thực trạng độ phì nhiêu đất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa”. Tham dự có lãnh đạo một số đơn vị của Bộ NN&PTNT; cùng một số hiệp hội, viện nghiên cứu ngành hàng lúa gạo và phân bón của Việt Nam và đông đảo chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến ngành hàng lúa, gạo.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, trình bày những kết quả bước đầu trong thực hiện quy trình canh tác lúa theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại vùng ĐBSCL.
Theo đánh giá của ngành chức năng và nhà khoa học tại hội thảo, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vựa lúa của cả nước, với diện tích đất trồng lúa trên 1,5 triệu héc-ta, tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt gần 4 triệu héc-ta. Việc canh tác lúa của nông dân vùng ĐBSCL đã và đang có những chuyển biến trong phương thức canh tác, nhất là chuyển dần sang cơ giới hóa. Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật với công nghệ tiên tiến cũng đang được người trồng lúa vùng ĐBSCL tích cực áp dụng vào sản xuất nhằm giúp giảm lượng giống một cách đáng kể.
Một số chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và địa phương nêu thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phân bón trong canh tác lúa vùng ĐBSCL tại hội thảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì hiện vẫn còn một bộ phận nông dân vùng ĐBSCL hiểu biết chưa đầy đủ về chất đất, độ phì đất, pH đất lúa nên vẫn còn áp dụng các kỹ thuật canh tác truyền thống, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất trồng lúa. Điển hình là áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến việc sử dụng phân bón không hợp lý đã làm cho chất lượng đất bị suy thoái; đồng thời thực trạng đốt rơm rạ ngay trên đồng, hay cày vùi rơm rạ ngay sau khi thu hoạch mà chưa được xử lý…
Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo.
Từ thực trạng đang đặt ra, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và địa phương đã đánh giá thực trạng độ phì thực tế của đất trồng lúa vùng ĐBSCL trong vòng 5 năm gần đây, từ đó xác định yếu tố hạn chế của đất để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, nhiều giải pháp đề ra được đánh giá vừa mang tính khoa học và vừa mang tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng và nhân rộng cao, đồng thời hỗ trợ tạo nên mạng lưới hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về đất và phân bón trong cả nước.
Áp lực thâm canh tăng vụ tại nhiều cánh đồng lúa ở vùng ĐBSCL đang dẫn đến việc sử dụng phân bón không hợp lý làm cho chất lượng đất bị suy thoái.
Điển hình là đề xuất giải pháp về quy trình canh tác lúa thông minh gắn tăng trưởng xanh, phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, với sự tham gia đồng hành của nhiều doanh nghiệp về phân bón, thiết bị cơ giới hóa,… đã được nhiều nông dân tại vùng ĐBSCL áp dụng và cho kết quả tích cực trong các vụ lúa năm 2024. Từ kết quả đạt được bước đầu, Cục Trồng trọt đề xuất các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục nhân rộng quy trình canh tác lúa trong Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao vào thời gian tới theo kế hoạch đề ra; đồng thời dưới góc nhìn từ việc sử dụng đất và phân bón hợp lý, các địa phương vùng ĐBSCL sẽ nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp được chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu đề xuất tại hội thảo nhằm giúp người dân vừa sản xuất đạt hiệu quả vừa bảo vệ tốt chất lượng đất trồng lúa.
HỮU PHƯỚC
https://www.baohaugiang.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nhan-dien-han-che-de-xuat-giai-phap-bao-ve-chat-luong-dat-trong-lua-vung-dbscl-136121.html