Hãng tin Reuters trích lời hai quan chức giấu tên của Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang chuẩn bị một đợt viện trợ mới trị giá 725 USD cho Ukraine.
Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ khai hỏa. Ảnh: Rferl.org
Tờ Newsweek ngày 28/11 đưa tin, theo một báo cáo mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang soạn thảo một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong bối cảnh chính quyền sắp mãn nhiệm đang gấp rút chuyển thêm viện trợ cho Kiev trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Trước đó ngày 27/11, hãng tin Reuters trích lời hai quan chức giấu tên của Mỹ cho biết chính quyền Biden đang chuẩn bị một đợt viện trợ mới trị giá 725 USD.
Theo báo cáo, gói viện trợ này vẫn có thể thay đổi và có khả năng sẽ bao gồm đạn dược cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp mà Ukraine đã sử dụng để chống lại quân đội Nga trong hơn hai năm qua.
Washington cũng sẽ gửi nhiều thiết bị bay không người lái, hệ thống phòng không vác vai Stinger (MANPADS), mìn và bom chùm, có khả năng được sử dụng trong hệ thống tên lửa dẫn đường đa nòng (GMLRS) HIMARS.
Newsweek đã liên hệ với Lầu năm góc và Nhà Trắng qua email để xin xác nhận nhưng chưa có phản hồi.
Ukraine, quốc gia phụ thuộc nhiều vào viện trợ của phương Tây, đang nín thở chờ xem Mỹ sẽ thay đổi chính sách hỗ trợ cho Kiev như thế nào khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Tổng thống đắc cử Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine và hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong một ngày, nhưng không nói rõ ông dự định thực hiện điều này bằng cách nào.
Theo tài liệu của Lầu năm góc, Mỹ cung cấp gần một nửa viện trợ quân sự cho Kiev, với tổng số tiền là hơn 60 tỷ USD kể từ tháng 2/2022, khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.
Các tài liệu của Bộ Quốc phòng cho thấy Washington đã gửi hơn 3.000 tên lửa Stinger và đạn dược cho hơn 40 hệ thống HIMARS mà nước này đã chuyển giao cho Ukraine.
Kiev và Moskva hiện dựa rất nhiều vào pháo binh trong cuộc xung đột trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2. Ukraine sử dụng nhiều hệ thống pháo binh khác nhau, như HIMARS và pháo tự hành Bohdana do nước này sản xuất. Nhưng việc có được đạn pháo để duy trì hoạt động của hệ thống là một nhiệm vụ khó khăn, các kho dự trữ trên khắp châu Âu đã cạn kiệt và các đồng minh của Ukraine đang phải vật lộn để sản xuất thêm.
Các báo cáo về viện trợ nhiều hơn của Mỹ xuất hiện vào thời điểm quan trọng trong gần ba năm diễn ra xung đột. Nga đã liên tục giành được lợi thế ở miền Đông Ukraine kể từ đầu năm và đã đạt được một số thành công trong việc giành lại quyền kiểm soát của Kiev đối với hàng trăm dặm vuông lãnh thổ ở vùng Kursk phía nam nước Nga.
Tuần trước, một quan chức quốc phòng Mỹ đã xác nhận với Newsweek rằng chính quyền Biden đã đảo ngược chính sách về mìn sát thương cá nhân và đang gửi các phiên bản "không bền" tới Ukraine có khả năng vô hiệu hóa sau một thời gian nhất định.
Mìn sát thương có thể là công cụ quân sự hiệu quả, nhưng chúng gây tranh cãi trong các nhóm nhân quyền vì chúng có thể gây nguy hiểm cho dân thường trong thời gian dài. Chúng bị cấm ở hơn 150 quốc gia, mặc dù không bao gồm Nga hoặc Mỹ. Trong một nỗ lực ủng hộ Kiev, tháng này, chính quyền Biden đã bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) do Mỹ sản xuất tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga, điều mà nước này từ lâu đã từ chối thực hiện.
Gói viện trợ mới từ Mỹ sẽ là nguồn hỗ trợ quan trọng trong thời điểm quyết định này, nhưng câu hỏi về tương lai hỗ trợ từ Mỹ và phương Tây vẫn là một thách thức lớn đối với Kiev.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Newsweek, Heraldonline)
https://baotintuc.vn/quan-su/my-chuyen-giao-ten-lua-himars-kem-goi-vien-tro-725-trieu-usd-cho-ukraine-20241129145637887.htm