(kinhtenongthon.vn) - Chiều 24/11, tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra Hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài”. Tại đây, nhiều ý kiến đã trao đổi về những khó khăn, thách thức của người sản xuất, doanh nghiệp về lĩnh vực lúa gạo cũng như định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT thời gian tới.
Ở nước ta, tình hình xuất khẩu lúa gạo thời gian qua liên tục có nhiều biến động do một số cuộc xung đột đang xảy ra cùng hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài khiến giá lương thực toàn cầu tăng đột biến. Đây là cơ hội để Việt Nam sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, những tác động khách quan, cơ hội thuận lợi như thế này không thể kéo dài.
Toàn cảnh hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là sự kiện có tính bước ngoặc trong việc chuyển đổi tư duy về một ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, tăng trưởng xanh. Chúng ta đã chuyển từ tư duy phát triển đơn giá trị sang đa giá trị trên một diện tích sản xuất, trong đó có sản xuất lúa. Vì vậy, phải định vị lại thu nhập của người nông dân trồng lúa khác đi. Theo đó, không chỉ là hạt lúa, hạt gạo mà còn hoạt động khác từ sản xuất, chế biến, bảo quản, đến làm kinh tế như du lịch nông nghiệp và các nghề phi nông nghiệp khác.
Bộ trưởng Hoan lấy ví dụ, đơn cửa như ở Bạc Liêu, Sóc Trăng và một vài tỉnh phát triển mô hình con tôm ôm cây lúa (lúa tôm), lúa cá, tôi đi nhiều nơi, nông dân nói thu nhập từ cây lúa là phụ, cái chính là tôm, cá, đó là góc nhìn khác. Nghĩa là đó không phải là trồng lúa. Bộ trưởng Hoan dẫn chứng, sáng nay có người gửi clip xem cảnh nông dân làm du lịch và cho rằng phải chăng có cách tiếp cận nông nghiệp khác, tiếp cận nông thôn khác, tiếp cận thu nhập khác để tìm kiếm giá trị mới hơn là giá trị đong đếm bằng sản lượng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu trực tuyến tại hội thảo.
Ông Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ chia sẻ, nhận thấy cần có trách nhiệm lan tỏa, truyền cảm hứng đến bà con nông dân, doanh nghiệp trong việc làm sao tạo nên giá trị mới cho ngành lúa gạo, để người trồng lúa giàu có hơn, doanh nghiệp phát triển hơn và ngành nông nghiệp thịnh vượng hơn. Chưa bao giờ nông dân trồng lúa vui như thế hiện nay nhưng kèm với đó cũng đan xen nỗi lo, làm sao để tiếp tục bán được lúa gạo với giá cao và chính sách nào để ngành lúa gạo phát triển bền vững.
Trong khi đó, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, giá lúa đạt kỷ lục cao so với nhiều năm vừa qua, nông dân phấn khởi, vui mừng nhưng bên cạnh đó có nhiều băn khoăn, trăn trở. Doanh nghiệp gặp khó khăn về chế biến lúa gạo, nông dân cũng không biết diễn biến dự báo kéo dài được bao lâu. Trong khi giá cả đầu vào liên tục biến động ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Ông Tuyên gợi ý, Hậu Giang mong các nhà chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp, gợi mở ý kiến đóng góp cho hội thảo. Trên cơ sở đó Hậu Giang nói riêng và các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung sẽ đưa ra cơ chế, chính sách xác đáng, phù hợp hơn thực tế với mục tiêu đưa ngành lúa gạo nước ta lên một tầm mới.