163 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo

Tính đến ngày 3/10/2024, cả nước có 163 thương nhân đã được Bộ Công thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo Danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 3/10/2024 vừa được Cục Xuất nhập khẩu công bố, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu với 38 thương nhân đủ điều kiện, tiếp đến là Cần Thơ 35 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 14 thương nhân, An Giang 14 thương nhân.

Tuy nhiên, cũng tại danh sách này, một số địa phương chỉ có 1 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo là Hà Nam, Hậu Giang, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Tĩnh.

Theo danh sách này nếu so với thời điểm đầu năm, số thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tăng thêm 2 đơn vị.

Danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 3/10/2024 chi tiết xem ở tải về

163 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo

Không phủ nhận sau gần 6 năm đưa vào triển khai thực tế, Nghị định 107 2018/NĐ-CP (Nghị định 107) đã có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực thi nghị định này cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được sửa đổi.

Cụ thể, tại Điều 24 Nghị định số 107 quy định, thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, thực tế tồn kho. Thế nhưng nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định (không báo cáo, báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định, có báo cáo nhưng không thường xuyên). Việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho việc điều hành xuất khẩu gạo. Cũng trong Điều 24 Nghị định số 107 quy định: "Thương nhân báo cáo không đúng sự thật hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều này không được hưởng các chính sách ưu tiên…”

Trong bối cảnh mới, các thị trường thực hiện tư nhân hóa, giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung còn rất ít, kinh phí quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại lại không đáng kể, không phân biệt giữa doanh nghiệp báo cáo và doanh nghiệp không báo cáo nên quy định của Nghị định 107 có thể bắt buộc các thương nhân phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo. Cơ quan quản lý chỉ có thể kêu gọi, khuyến khích các thương nhân tự giác chấp hành.

Đáng nói, những thông tin, số liệu liên quan (diện tích gieo trồng, sản lượng từng chủng loại lúa, lượng thóc, gạo hàng hóa tồn kho, xuất khẩu...) của doanh nghiệp thường không đầy đủ, xác thực, kịp thời, không phản ánh đúng thực tế. Từ đó, gây rất nhiều khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo, đặc biệt tại thời điểm có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Tại Điều 5 Nghị định 107 quy định, Sở Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, thực tế, các cơ quan kể trên chậm tiến hành hậu kiểm do không xác định được Sở Công Thương tỉnh, thành phố nào chủ trì (thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có thể kê khai kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo tại nhiều địa phương để được cấp Giấy chứng nhận).

 Trung Anh

https://thuongtruong.com.vn/news/163-thuong-nhan-duoc-cap-giay-chung-nhan-du-dieu-kien-xuat-khau-gao-127501.html

 

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi