Thị trường lúa gạo 2017 và triển vọng 2018: Một năm nhìn lại

Thị trường lúa gạo 2017 và triển vọng 2018: Một năm nhìn lại

 

Một số điểm nổi bật của thị trường lúa gạo 2017.

Theo số liệu công bố của Hải quan, xuất khẩu gạo năm 2017 đạt 5,79 triệu tấn, trị giá 2,62 tỷ USD, tăng 20,4% về lượng và 21,2% về giá trị so với năm 2016. Theo số liệu của VFA, lũy kế xuất khẩu gạo  từ ngày 01/01 đến ngày 31/12/2017 đạt 5,772 triệu tấn, trị giá FOB 2,539 tỷ USD, trị giá CIF 2,589 tỷ USD. Như vậy, mức tăng trong 2017 là khá lớn khi một phần gạo vẫn được rút ra Bắc và tiểu ngạch. Theo ước tính của luagaoviet.com xuất khẩu gạo năm 2017 bao gồm cả chính ngạch và tiểu ngạch đạt 7,1 triệu tấn, trong đó chính ngạch đạt 5,9 và tiểu ngạch đạt 1,2 triệu tấn.

 

So sánh tổng xuất khẩu 2016 và 2017 (triệu tấn)

Tiêu chí/Thời gian

2016

2017

So sánh 2017/2016

Xuất khẩu chính ngạch

4.91

5.91

20.47%

Xuất khẩu Trung Quốc chính ngạch

1.75

2.32

32.86%

Xuất khẩu Trung Quốc tiểu ngạch

1.39

1.21

-12.34%

Tổng xuất khẩu đi Trung Quốc cả chính ngạch và tiểu ngạch

3.13

3.53

12.86%

Tổng xuất khẩu điều chỉnh

6.29

7.13

13.25%

(luagaoviet.com: Báo cáo thường niên 2017, triển vọng 2018)

- Hợp đồng bao tiêu, sản xuất giữa người mua (doanh nghiệp, thương lái) và nông dân diễn ra trước thời điểm xuống giống vụ Đông Xuân 2017/18 (khác so với các năm trước là nông dân xuống giống rồi doanh nghiệp đi mua), chi phí bỏ cọc lúa tăng mạnh so với vụ Đông Xuân 2016/17 từ mức 200 ngàn đồng/công lúa (1000 m2) lên mức 400-500 ngàn đồng/công. Mức đặt cọc tăng mạnh phản ánh xu hướng bao tiêu sản xuất nhiều. Như vậy, người nông dân ngày càng được hưởng lợi từ việc này.

- Xuất khẩu gạo thơm tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017, đặc biệt là gạo thơm ST. Phân tích từ số liệu Hải quan cho thấy, một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn xu hướng dịch chuyển sang xuất khẩu gạo thơm, chất lượng cao sang thay thế xuất khẩu gạo trắng. Cơ cấu xuống giống gạo thơm trong vụ Đông Xuân 2017/18 tăng, đặc biệt là giống lúa Đài Thơm 8 nhiều. Xuất khẩu gạo thơm năm 2017 đạt 1,41 triệu tấn, tăng 13,6% so với năm 2016. Trong đó, các chủng loại gạo thơm chủ yếu là: Jasmine 870 ngàn tấn, ST 238 ngàn tấn và KDM 169 ngàn tấn. Đi các thị trường: Trung Quốc 354 ngàn tấn và Ghana 344 ngàn tấn. Xuất khẩu gạo ST năm 2017 tăng mạnh do xuất đi Trung Quốc, lượng xuất khẩu gạo ST đi Trung Quốc trong năm 2017 đạt 226 ngàn tấn.

- Giá gạo Nhật trong năm 2017 liên tục duy trì ở mức cao, nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu từ các thị trường nhiều nên năm 2018 sẽ chứng kiến cuộc tranh khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp lớn hiện đã quan tâm đến chủng loại giống này khi các thông tin từ thương nhân cho rằng lợi nhuận từ gạo Nhật của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Nhật năm 2017 là khá lớn. Nhu cầu lúa Nhật năm 2018 dự báo tiếp tục tăng mạnh khi Hàn Quốc tổ chức các phiên thầu giao hàng trong năm 2018. Diện tích sản xuất lúa Nhật được dự kiến tăng mạnh khi các doanh nghiệp đẩy mạnh bao tiêu lúa Nhật cho vụ Đông Xuân 2017/18.

- Xuất khẩu tiểu ngạch suy giảm tuy nhiên khối lượng gạo tiểu ngạch vẫn tiếp tục nhiều. Cước container thấp nên thương nhân chủ yếu đóng cont đi tiểu ngạch. Nhu cầu gạo nội địa từ Miền Tây ra Bắc, đặc biệt là gạo OM 5451, ST cạnh tranh mạnh mẽ với kênh xuất khẩu.

 

 

Xu hướng chuyển dịch năm 2018

- Thị trường lúa gạo Việt Nam đang dần chuyển dịch từ xuất khẩu gạo chất lượng thấp sang chất lượng cao. Trong năm 2017, cơ cấu gạo thơm, gạo Nhật, gạo Nếp tiếp tục tăng, gạo trắng chất lượng thấp giảm. Nhu cầu gạo thơm năm 2018 tiếp tục tăng cao; nhu cầu gạo ST từ thương nhân Trung Quốc và nhu cầu gạo Jasmine (Đài Thơm 8) từ các thị trường Châu Phi.

- Sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân với lợi thế linh hoạt, thích ứng nhanh chóng với biến đổi thị trường. Suy giảm của các doanh nghiệp nhà nước với cơ chế vận hành quản lý nhà nước, trông chờ phân bổ chỉ tiêu từ hợp đồng tập trung và tổng công ty lương thực Vinafood 1 và Vinafood 2.

- Xuất hiện xu hướng hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam và các tập đoàn kinh doanh nông sản quốc tế. Với việc liên kết này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường lúa gạo thế giới, tiếp cận được hệ thống phân phối tại các thị trường này. Đồng thời, cũng nâng cao năng lực cạnh tranh

- Theo các ước tính ban đầu từ thương nhân, tính đến thời điểm tháng 12/2017 cơ cấu lúa IR 504 vụ Đông Xuân 2017/18 đã xuống giống thấp hơn so với mọi năm. Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì thì giá gạo trắng xuất khẩu ở mức cao khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước khác, đặc biệt là thị trường Châu Phi và Trung Quốc.

- Các nguồn tin của chúng tôi cho biết, năng suất lúa vụ Đông Xuân 2017/18 sớm tăng mạnh so với năm trước. Một số vùng đang thu hoạch năng suất lúa IR 504 lên tới 800-1000 kg/công (1000m). TUY NHIÊN, lúa IR 504 chín trễ hơn so với năm trước từ 5-10 ngày (95-100 ngày) nên có thể gặp rủi ro nếu thu hoạch sớm, thu hồi thấp.

 

Luagaoviet.com trân thành cảm ơn Qúy khách hàng, bạn đọc đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt 1 năm qua. Chúng tôi hy vọng rằng, luagaoviet.com sẽ là người bạn tin cậy cùng Quý khách trong việc kinh doanh lúa gạo và là kênh tham khảo hữu ích với bạn đọc quan tâm đến thị trường lúa gạo. Mừng xuân Mậu Tuất 2018, kính chúc quý khách hàng - bạn đọc năm mới an khang, thịnh vượng. Chúc cho thị trường lúa gạo Việt Nam 2018 thắng lợi.

 

Trân trọng

Team luagaoviet.com!

Trò chuyện với chúng tôi