Xuất khẩu gạo Việt tăng tốc ngay từ đầu năm

(HQ Online) - Sau một năm 2020 thắng lợi giòn giã, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục có bước khởi đầu tương đối thuận lợi trong năm 2021 khi tăng tốc xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng với mức giá xuất khẩu cao.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo cả năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn và 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về khối lượng nhưng tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019.

4128-gyo
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 với 32,2% thị phần. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2020 đạt 496 USD/tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Vào đầu tháng 12/2020, giá gạo giảm đột ngột từ 498 USD/tấn xuống 480 USD/tấn, do các thương nhân xả hàng làm rỗng kho để chờ thu mua vụ Đông Xuân sắp tới. Tuy nhiên, giá đã tăng mạnh trở lại sau đó, nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt container chuyên chở vào cuối năm nên chi phí vận chuyển tăng mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, năm 2020, gạo là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, đặc biệt giá gạo liên tục tăng đã đánh dấu mức tăng lịch sử trong khoảng một thập kỷ qua.

Bước sang năm 2021, tin vui đã đến với ngành lúa gạo Việt Nam ngay từ đầu năm. Cụ thể, ngay chiều ngày 13/1, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Cần Thơ đã phối hợp tổ chức lễ xuất khẩu lô gạo thơm đầu tiên của năm 2021 với tổng khối lượng 1.600 tấn.

Hợp đồng đã ký kết xuất khẩu sang Singapore 450 tấn và Malaysia 1.150 tấn. Lô gạo này gồm 2 loại gạo Jasmine 85 với giá 680 USD/tấn và gạo Hương Lài giá 750 USD/tấn, do Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) thực hiện.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An chia sẻ, các mức giá xuất khẩu nêu trên là khá cao.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, tham gia các FTA song phương và đa phương, ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có nhóm hàng lúa gạo, đang được hưởng những lợi thế lớn chưa từng có.

Dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất lạc quan.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VFA cho biết, để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2021 tiếp tục duy trì ở mức xấp xỉ và cao hơn năm 2020 với sản lượng tương đương, VFA đã đề ra một số giải pháp để phát triển thị trường, tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

“VFA đã xây dựng các kênh chào hàng trực tuyến cũng như tham gia các hội thảo về thương mại theo hình thức trực tuyến để phát triển ngành hàng gạo. Các sản phẩm cũng sẽ tập trung vào nhưng loại chất lượng cao, đang có kết quả xuất khẩu tốt…”, ông Kiên nói.

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, các doanh nghiệp cần quan tâm phát triển sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường; tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng, việc làm và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan từ các FTA hiện nay đối với các mặt hàng nông sản.

“Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cùng với Nhà nước, nông dân liên kết chặt chẽ để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu như vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để mở rộng thị trường”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị.

Tại thị trường nội địa, nhìn lại cả năm 2020, giá lúa, gạo tại thị trường ĐBSCL biến động theo chiều hướng tăng, với giá lúa thường tăng khoảng 1.500 – 2.000 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 1.000 – 1.200 đồng/kg, tùy từng thời điểm và mùa vụ. Giá lúa sụt giảm thấp nhất vào khoảng tháng 2/2020 do nguồn cung thu hoạch vụ Đông Xuân dồi dào và nhu cầu tiêu thụ yếu.
 

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi