Trung Bộ: Hàng chục nghìn ha cây trồng vụ Hè Thu nhiều khả năng thiếu nước

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), vụ Hè Thu 2024, diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 20.700 – 34.200 ha cây trồng (chiếm khoảng từ 2 – 3% diện tích canh tác), gồm: Bắc Trung Bộ 8.700 – 14.200 ha; Nam Trung Bộ 12.000 – 20.000 ha.

Dưới tác động của El Nino, từ đầu mùa khô đến nay, khu vực Trung Bộ có nhiều nơi nhiệt độ duy trì trong khoảng từ 36 – 39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Mức nhiệt này cao hơn từ 3 – 5 độ C so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng kéo dài, mưa ít gây khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất.

Hiện Nam Trung Bộ có 102/534 hồ chứa có lượng nước dưới một nửa dung tích thiết kế; trong đó 29 hồ nhỏ dưới mực nước chết gồm: Quảng Nam (4 hồ do đang sửa chữa nâng cấp không tích nước), Bình Định (15 hồ, trong đó có 8 hồ đang sửa chữa nâng cấp), Ninh Thuận (5 hồ), Bình Thuận (5 hồ).

anh-2(1).jpg

Tại Bình Thuận, nhiều diện tích thanh long khô héo do thiếu nước tưới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 5 – 7/2024, nắng nóng tiếp tục có xu hướng gia tăng. Tổng lượng mưa trong tháng 5 thiếu hụt từ 10 – 30% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dòng chảy trên một số sông thuộc các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên và Bình Thuận thiếu hụt từ 65 – 80%.

Cục Thủy lợi nhận định, do nắng nóng nên nguồn nước trữ trong công trình thủy lợi có thể bị hạ thấp rất nhanh và gia tăng nhu cầu dùng nước, dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên phạm vi rộng.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, dự báo đến cuối tháng 5/2024, dung tích trữ các hồ trung bình đạt 48% so với thiết kế. Theo đó, vụ Hè Thu năm 2024, diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước trong khu vực khoảng 8.700 – 14.200ha, chủ yếu tại Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị.

bac-trung-bo-3-.png

Dự báo diện tích canh tác nông nghiệp có nguy cơ thiếu nước trong vụ Hè Thu năm 2024 tại Bắc Trung Bộ

bac-trung-bo-2-.png

Dự báo diện tích canh tác nông nghiệp có nguy cơ thiếu nước trong vụ Hè Thu năm 2024 tại Nam Trung Bộ

Tại khu vực Nam Trung Bộ, dự báo Vụ Hè Thu 2024 có khoảng 11.500 – 16.200ha diện tích gieo trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tập trung tại Ninh Thuận và Bình Thuận.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân trong thời gian còn lại của mùa khô, ngày 2/5, Cục Thủy lợi đã gửi công văn đến Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố khu vực Trung Bộ. Trong đó, đề nghị các địa phương tập trung tiếp tục tổ chức thực hiện nghiệm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; và Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23/1/2024 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.

Cục Thủy lợi cũng khuyến cáo ngành nông nghiệp các địa phương tổ chức, xây dựng, rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và sân sinh, bao gồm các kịch bản về nguồn nước trữ trong cong trình thủy lợi, khả năng xuất hiện mưa tiểu mãn. Xác định cụ thể các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước theo các kịch bản và giải pháp ứng phó cụ thể.

Bên cạnh đó, tổ chức theo dõi và cập nhật liên tục thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước và các khuyến cáo để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp. Tổ chức kiểm kê nguồn nước trữ của từng công trình thủy lợi, tính toán cân đối khả năng cung cấp nước trong thời gian còn lại của mùa khô, xác định lượng nước ưu tiên cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng cạn và các nhu cầu thiết yếu khác. Chỉ tổ chức xuống giống cây trồng vụ Hè Thu, vụ Mùa nếu nguồn nước đảm bảo cung cấp đủ cho cả vụ, các diện tích không đủ nước, xem xét giãn, lùi thời vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Cùng với chủ động thống nhất với các bên liên quan kế hoạch điều nước cho sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương cần rà soát, xác định các vùng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và đánh giá khả năng nguồn cấp nước cho sinh hoạt. Qua đó, xây dựng phương án và tổ chức triển khai các biện pháp cấp nước sạch cho người dân, như: thiết lập các điểm cấp nước tập trung, kéo dài tuyến ống cấp nước, hỗ trợ thiết bị trữ nước, sử dụng các phương tiện lưu động chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư; không để xảy ra tình trạng gián đoạn, mất nước kéo dài…

Khánh Ly

https://phapluatvemoitruong.vn/trung-bo-hang-chuc-nghin-ha-cay-trong-vu-he-thu-nhieu-kha-nang-thieu-nuoc/

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi