Nâng tầm giá trị hạt gạo Việt

Những ngày qua, nông dân ĐBSCL đã linh động xuống giống lúa đông xuân sớm để né hạn mặn cuối vụ. Không chỉ dùng giống lúa có phẩm cấp chất lượng cao, tỷ lệ nông dân sử dụng giống xác nhận tăng nhanh. Đây được cho là những bước ngoặt quan trọng tăng chất lượng để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ NN-PTNT đã sớm cảnh báo về tình trạng mặn xâm nhập sớm. Qua đó, khuyến cáo các địa phương vùng ĐBSCL sớm xuống giống lúa đông xuân nhằm né hạn mặn cuối vụ. Vụ lúa đông xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,55 triệu hécta, sản lượng ước đạt 10 triệu tấn. “Hiện nay nông dân Hậu Giang tập trung sử dụng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao trên 80%; trong đó, các giống như Đài Thơm 8, ST24 được nhiều thương lái sớm đặt cọc mua của nông dân”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết. Theo ông Trần Chí Hùng, điều đáng mừng là tỷ lệ nông dân sử dụng các giống lúa xác nhận (do các cở sở sản xuất giống có uy tín và từ các trung tâm khuyến nông cung cấp) ngày càng tăng. Đây là cơ hội để nông dân trồng lúa sử dụng các giống xác nhận và chọn lựa giống lúa chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cách đây hơn 5 năm, tỷ lệ giống lúa phẩm cấp thấp ở ĐBSCL chiếm khá lớn trong cơ cấu sản xuất, khi nông dân còn thói quen sử dụng giống lúa IR50404, chiếm tỷ lệ 30%-40% trở lên. Nay, các giống lúa phẩm cấp thấp như IR5040 chỉ còn chiếm 10%-17%. Vựa lúa ĐBSCL đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất lúa gạo tập trung vào phân khúc gạo cao cấp, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn. Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty Gentraco (TP Cần Thơ), tình hình xuất khẩu gạo những ngày đầu năm 2021 vô cùng tốt, nhất là với phân khúc gạo cao cấp. Giá gạo 5% tấm đang dao động từ 505-525 USD/tấn. Đây là mức giá được xem tương đồng với giá gạo Thái Lan. Dự kiến trong tháng 1-2021, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu khoảng 300.000-400.000 tấn gạo.

Hiện giá lúa gạo ở ĐBSCL những ngày đầu năm 2021 duy trì mức cao ổn định. Theo đó, giá lúa dao động từ 6.800-7.200 đồng/kg (tùy giống lúa). Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: “Công ty đang tập trung liên kết với nông dân nhằm hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, TP Cần Thơ với 8.000ha. Trong đó, vụ đông xuân này có khoảng 1.400ha lúa áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt không đụng đến hóa chất, nhằm tạo ra gạo sạch để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU”.

Theo ông Phạm Thái Bình, chính quyền địa phương cần tìm giải pháp để tái thúc đẩy việc nông dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất, với những cánh đồng lớn. Đây là điều kiện tiên quyết để nông dân và doanh nghiệp cùng bắt tay sản xuất các phân khúc gạo xuất khẩu theo nhu cầu của thị trường quốc tế. Có vậy, việc tái cơ cấu ngành lúa gạo mới mang tính bền vững và thu nhập của nông dân mới được nâng lên…

Những ngày đầu năm 2021, nhiều người không khỏi “giật mình” trước thông tin Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì đây là phản ứng bình thường của nhu cầu phục vụ thị trường. Nhiều doanh nghiệp lý giải, hiện Việt Nam thiếu gạo phẩm cấp thấp để phục vụ chế biến các loại thức ăn phục vụ chăn nuôi, nên chuyện nhập khẩu gạo phẩm cấp thấp từ Ấn Độ là bình thường. Điều này cũng lý giải phần nào sự tái cấu trúc trong sản xuất lúa thành công bước đầu của Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ các giống lúa phẩm cấp cao ngày càng chiếm áp đảo, các giống lúa phẩm cấp thấp như IR50404 ngày càng giảm (một phần nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn cung để chế biến thức ăn nông nghiệp).

https://www.sggp.org.vn/nang-tam-gia-tri-hat-gao-viet-708062.html

 

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi