Lúa gạo dồi dào, thị trường khởi sắc

(nongnghiep.vn) - Những ngày qua, giá lúa ở một số tỉnh, thành ĐBSCL đột ngột tăng cao. Dù vậy, lúa vụ hè thu và thu đông vẫn rất dồi dào, gạo đầy ắp, không lo thiết hụt.

Các vụ sản xuất trong năm ở ĐBSCL cách nhau rất ngắn, vì vậy nguồn cung lúa nguyên liệu luôn dồi dào, không bị đứt quãng. Năm nay niềm vui của người nông dân được nhân đôi khi mùa màng bội thu, lúa gạo tăng giá. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các vụ sản xuất trong năm ở ĐBSCL cách nhau rất ngắn, vì vậy nguồn cung lúa nguyên liệu luôn dồi dào, không bị đứt quãng. Năm nay niềm vui của người nông dân được nhân đôi khi mùa màng bội thu, lúa gạo tăng giá. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lúa gạo tăng giá, nông dân tăng lợi nhuận

Những ngày này đi về các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), lúa thu đông chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng và trổ, còn khoảng 1 - 1,5 tháng nữa mới bước vào đợt thu hoạch. Theo các thương lái, giá lúa gạo ở ĐBSCL từ đầu năm đến nay tương đối tốt, nằm mức trên 5.000 đồng/kg. Vì vậy, giúp cho nông dân trồng lúa và thương lái thu mua lúa đều có lãi ổn định hơn so với các năm trước.

Lúa tươi IR 50404 và các loại lúa hạt dài như: OM 5451, OM 4218, OM 380 đang được thương lái đặt tiền cọc thỏa thuận thu mua với giá 5.100 - 5.600 đồng/kg. Còn các loại lúa thơm như Jasmine 85 và Ðài Thơm 8 có giá 5.700 - 5.800 đồng/kg…

Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: Vụ thu đông năm nay, gia đình canh tác 6 ha, giống OM 5451, lúa được 70 ngày tuổi, trổ đều. Tuy lúa còn xanh trên đồng nhưng đã có thương lái đến tận nhà đặt tiền cọc mua lúa tươi tại ruộng giá 5.700 đồng/kg, cao hơn 500 - 700 đồng/kg so với năm trước. Lúa gạo tăng giá, bà con trong xóm ai cũng phấn khởi.

Theo ông Tâm, lúa còn gần 1 tháng nữa mới thu hoạch, gia đình đang chăm sóc bằng các biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo năng suất cao. Giai đoạn cuối này ông Tâm đã mạnh dạn thuê dịch vụ phun thuốc BVTV bằng máy bay điều kiển từ xa, vừa tiết kiệm được chi phí khoảng 30% trên lần phun vừa bảo vệ được sức khỏe vì không tiếp xúc với thuốc BVTV.  

Giá lúa gạo ở ĐBSCL đang rất tốt và nguồn cung đảm bảo, thị trường trong nước được các doanh nghiệp tập trung khơi thông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá lúa gạo ở ĐBSCL đang rất tốt và nguồn cung đảm bảo, thị trường trong nước được các doanh nghiệp tập trung khơi thông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, đến nay, nông dân thành phố đã xuống giống lúa vụ thu đông 2020 được 68.163 ha, đạt 107% kế hoạch. Phần lớn nông dân đều thực hiện gieo trồng lúa bằng thiết bị máy móc, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ đạt trên 95% diện tích. Trong đó, tỷ lệ diện tích sử dụng máy phun hạt là chủ yếu, còn lại là gieo sạ bằng máy kéo hàng, máy cấy…

Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: An Giang là một trong những tỉnh có diện tích lúa hè thu thu hoạch muộn so với các tỉnh khác ở khu vực. Tính đến nay, toàn tỉnh thu hoạch đạt 98% trên tổng diện tích 230.000 ha đã xuống giống, năng suất ước đạt 5,53 tấn/ha, cao hơn từ 80 - 150kg/ha so với vụ lúa hè thu năm 2019.

Mặc dù, trước tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu, nhưng ngược lại tình hình tiêu thụ lúa gạo cho thị trường nội địa có chuyển biến tốt hơn các năm trước. Cụ thể, lúa chất lượng cao Đài Thơm 8, Nàng Hoa và OM 4900 giá bán lúa tươi từ 5.400 - 6.200 đồng/kg, nếp tươi từ 6.700 - 6.900 đồng/kg, tăng 1.000 - 1.050 đồng/kg, riêng lúa IR50404 dao động từ 5.100 - 5.300 đồng/kg (tùy loại), tăng 300 - 400 đồng/kg so với tháng trước.

Ông Trịnh Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX An Bình, ở xã An Bình, huyện Thoại Sơn (An Giang), phấn khởi cho biết: HTX có 78 thành viên, với tổng diện tích sản xuất lúa 620 ha. Nhiều năm qua HTX canh tác theo quy trình kỹ thuật “1 phải,  5 giảm” và “3 giảm, 3 tăng”, giúp thay đổi được tư duy sản xuất lúa như: đẩy mạnh áp dụng các khâu cơ giới hóa trong gieo cấy và thu hoạch lúa, giảm giống, giảm phân bón và thuốc BVTV. Từ đó giúp nông dân giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận từ 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất theo truyền thống trước đây.

Doanh nghiệp đặt hàng từ trước

Bên cạnh đó HTX An Bình dành riêng 150 ha, sản xuất lúa tiêu chuẩn SRP 100 theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Lộc Trời, các diện tích còn lại đều sản xuất theo hướng an toàn, chủ yếu tiêu thụ trong nội địa là chính. Không dừng ở đó HTX còn mạnh dạn đăng ký nhãn hiệu độc quyền để sản xuất “gạo an toàn” của HTX, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn, đều được thị trường đánh giá cao. 

Lúa hè thu đã vào cuối vụ thu hoạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lúa hè thu đã vào cuối vụ thu hoạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại Kiên Giang, ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, lúa hè thu 2020 nông dân đang thu hoạch chưa tới 50% diện tích gieo trồng, trong tổng số hơn 283 ngàn ha đã xuống giống. Ước tổng sản lượng thu hoạch của vụ lúa này vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn. Trong khi đó, những nơi thu hoạch sớm, nông dân đã xuống giống tiếp vụ lúa thu đông 2020 được gần 80 ngàn ha, vượt khoảng 8 ngàn ha so với kế hoạch để tranh thủ đà lúa gạo tăng giá.

Như vậy, khi vụ lúa hè thu vừa dứt điểm thì lúa thu đông sẽ vào vụ thu hoạch, đảm bảo nguồn cung lúa nguyên liệu cho chế biến không đị đứt đoạn. Giá lúa gạo tại tỉnh Kiên Giang đang được thương lái, doanh nghiệp thu mua với giá khá tốt. Cụ thể, giá lúa thường (lúa tươi, cắt máy) như IR 50404, từ 5.300 - 5.500 đồng/kg. Lúa chất lượng cao (lúa thơm, hạt dài) giá từ 5.800 - 6.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao và ổn định trong thời gian qua.

Giá lúa tiếp tục tăng cao

Trong 3 ngày qua, giá lúa ở một số tỉnh, thành ĐBSCL như Cần Thơ, Sóc Trăng biến động, tăng cao bất thường. Một số thương lái và DN kinh doanh xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL cho hay: Rất đỗi ngạc nhiên trước tình hình giá lúa nhảy múa như hiện thời. Nhu cầu thị trường xuất khẩu hiện chủ yếu là thông tin dự báo, dự đoán và chưa có nhiều hợp đồng tạo sức hút mạnh. Trong khi gạo nội địa đầy ắp các cửa hàng, không lo thiết hụt nguồn cung. Biến động giá lúa chủ yếu tại các địa phương trong vùng có lúa HT đang thu hoạch trên đồng.

Anh Công, một thương lái đang thu mua lúa tại các huyện Tân Hồng và Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết: Nóng và tăng mạnh nhất lúc này là lúa IR50404, bán tại ruộng từ 5.500-5.600 đ/kg đến nay tăng lên 5.700 đ/kg. Còn lúa khô IR50404 vụ ĐX các chủ vựa bán lại 7.500 đ/kg. Lúa tươi OM5451 giá 5.800 đ/kg, lúa tươi Jasmine 85 giá 6.500 đ/kg… so với 10 ngày qua tăng khoảng 500 đ/kg. Có một số chủ vựa lúa vụ ĐX còn cho biết thêm, lúa Jasmine 85 sấy khô ráo từ vụ ĐX (2019-2020) trữ đến nay khoảng hơn 6 tháng, bán ra từ 10 ngày trước giá 7.500 đ/kg, tính ra đã có lãi 1.000 đ/kg. Nhưng đến nay lúa khô Jasmine 85 vụ ĐX đã nhảy vọt lên 8.200 đ/kg, ai còn lúa trữ lại sẽ còn lời thêm nữa.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, nói: Lúa HT còn trên đồng nên không quá lo thiếu nguồn cung lúa gạo. Với 142.000 ha, trong đó mới vừa thu hoạch khoảng trên 37.000 ha, năng suất bình quân 5-5,5 tấn/ha, dự kiến sản lượng cuối vụ sẽ có trên 750.000-800.000 tấn. Với mức giá nhảy lên 500 đ/kg vào thời điểm này, nông dân rất phấn khởi. Nhiều nông dân còn lúa trên đồng càng cần mẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để thu hoạch lúa đạt hiệu quả cao.

 

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi