Đề xuất chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa

(Chinhphu.vn) - Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.

Đề xuất chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa- Ảnh 1.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa

Hỗ trợ địa phương sản xuất lúa

Theo dự thảo, căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) thông qua định mức phân bổ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành địa phương sản xuất lúa còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: (*)

Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa (Theo quy định cũ, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước).

Hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/ha/năm đối với vùng, khu vực quy hoạch trồng lúa cần bảo vệ, hạn chế chuyển đổi, ngoài số tiền được hỗ trợ theo quy định (*) để đầu tư, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại. (**)

Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo quy định (*) được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm phân bổ ngân sách; Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo quy định (**) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định.

Hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa

Dự thảo nêu rõ, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng. Trường hợp có nhiều quy định khác nhau, thì áp dụng nguyên tắc mỗi mảnh đất chỉ được hỗ trợ 01 lần.

Hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Nguồn và cơ chế hỗ trợ

Theo dự thảo, đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí; đối với các địa phương điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% được hỗ trợ 50% kinh phí; các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, phân bổ nguồn ngân sách được hỗ trợ để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; hướng dẫn thực hiện hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa.

Sử dụng kinh phí hỗ trợ

Dự thảo nêu rõ, Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng (i) kinh phí do tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nộp, ii) nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định (*), (**) và iii) nguồn kinh phí phải nộp theo quy định tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định này để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp sẽ quyết định hỗ trợ các nội dung sau:

1- Hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới, sử dụng giống cây trồng mới hợp pháp để sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; mô hình trình diễn giống mới, tiến bộ kỹ thuật khoa học mới; hỗ trợ tổ chức tập huấn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

2- Đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, bản đồ phân vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 05 năm/lần để quản lý, sử dụng đất hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp.

3- Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa hoặc đất trồng lúa còn lại: tăng độ dày của tầng canh tác; tôn cao khu vực đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác.

4- Khai hoang đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa (trừ lúa nương).

Khoản 4 Điều 8 dự thảo Nghị định nêu rõ: Trường hợp công trình xây dựng trên đất chuyên trồng lúa nhưng bị trũng, ngập nước không thể thực hiện bóc tách tầng đất mặt thì tổ chức, cá nhân phải nộp một khoản tiền cho cơ quan nhà nước. Tùy vào điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định diện tích, vị trí đất trũng, ngập nước phải nộp tiền thay thế việc bóc tách tầng đất mặt.

Mức tiền phải nộp không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích công trình không thể bóc tách tầng đất mặt xây dựng trên đất chuyên trồng lúa phải chuyển sang mục đích phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Tin mới nhất

Trò chuyện với chúng tôi